Đây là sự kiện trọng điểm, mở màn cho tuần lễ văn hóa Sóng đôi được tổ chức thường niên bởi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Chương trình năm nay hướng đến kỷ niệm 280 năm (1744 - 2024) ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài, tiền thân của chiếc áo dài hiện đại.
Ngày hội là nơi người tham dự có thể trải nghiệm những di sản vật chất và tinh thần của tiền nhân, học hỏi được những bài học lý thú và đầy sinh động về văn hóa cổ truyền của người Việt.
Ngoài ra, sự kiện lần này cũng là nơi để các bạn trẻ có thể đắm chìm trong bầu không khí văn hóa, tự hào khoác lên mình những trang phục truyền thống, được nghe và hiểu thêm những câu chuyện của cha ông ta, qua đó góp phần khẳng định vị thế và vẻ đẹp của áo dài truyền thống trong dòng chảy thời trang đương đại.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - nhận định: "Áo ngũ thân - tiền thân của áo dài hiện đại, được hình thành, sáng tạo bởi cư dân Đàng Trong trong quá trình Nam tiến, chiếm lĩnh đất phương Nam và hòa nhập vào cộng đồng Đông Nam Á. Dẫu cho nhiều thứ đã thay đổi, nhưng áo dài vẫn luôn được xem là quốc phục của người Việt Nam. Vì vậy, có thể nói áo dài đã góp phần quan trọng để tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng, là thương hiệu và phương tiện nhận diện của người Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua".
Tóc xanh vạt áo mùa thứ 4 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 30 gian hàng cùng hơn 20 đơn vị làm văn hóa quy tụ về TP.HCM. Những đơn vị tham gia đều có những lĩnh vực chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh những đơn vị tại miền Nam, Tóc xanh vạt áo lần này sẽ đón tiếp các đơn vị tại Hà Nội, Huế và Nha Trang, hứa hẹn là một ngày hội đặc sắc, thỏa lòng những khán giả yêu mến văn hóa, lịch sử nước nhà.
Lễ khai mạc ngày hội sẽ diễn ra lúc 8 giờ 30 ngày 24.3. Xuyên suốt ngày hội, bên cạnh những hoạt động triển lãm, trưng bày tại các gian hàng, sẽ có nhiều chương trình đặc sắc tại khu vực sân khấu chính. Các sự kiện bao gồm: tọa đàm Thú chơi cổ ngoạn và cổ vật, trình diễn Việt phục của các thương hiệu nổi tiếng, trình diễn trang phục cổ truyền và nghệ thuật truyền thống Chăm Pa, trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam như dân ca quan họ, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế...