Ngày 19.3, tại Khu di tích quốc gia đền Tranh (thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, H.Ninh Giang, Hải Dương) đã diễn ra lễ hội đền Tranh xuân Giáp Thìn 2024.
Đền Tranh là ngôi đền cổ, có từ thời nhà Trần, với tổng diện tích là 29.417 m2. Đền Tranh thờ Quan lớn Tuần Tranh là vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn Ông của tín ngưỡng thờ Tứ phủ trong dân gian của người Việt.
Ngày 25.3.2009, đền Tranh được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia. Lễ hội truyền thống đền Tranh được Bộ VH-TT-DL công nhận ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 4.4.2022.
Lễ hội đền Tranh diễn ra vào ngày 19.3 (10.2 âm lịch) bao gồm các nghi lễ và hoạt động như lễ rước nước; chương trình văn nghệ và múa lân sư rồng; diễn văn khai hội; đánh trống khai hội; công bố và trao quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận di tích quốc gia đền Tranh là điểm du lịch; đọc chúc văn; lễ dâng hương của nhân dân và du khách thập phương.
Từ ngày 23 – 24.3 (14 – 15.2 âm lịch) nhằm vào ngày đản sinh Quan lớn Tuần Tranh, ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như: đập niêu đất, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, bóng bàn, bóng chuyền hơi nam - nữ, pháo đất, kéo co, cờ tướng, múa rối nước và lễ tế tạ.
Hiện, di tích đền Tranh tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi với 34 gian lớn nhỏ, bao gồm 7 gian tiền tế, 7 gian trung từ, 7 gian nhà nối, 3 gian cổ dải, 3 gian hậu cung, 7 gian đông vu và nhiều công trình phụ trợ khác.
Theo sử tích, vào thời nhà Trần tại vùng ngã ba sông Chanh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này. Ngôi đền này ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông, vì vậy thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy.
Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại thôn Tranh Xuyên. Ngôi đền này vẫn được dân chúng giữ tên gọi là đền Tranh.
Về nhân vật huyền thoại Quan lớn Tuần Tranh, theo truyền thuyết, ông được vua Thủy tề giao quyền thống lĩnh thủy bộ trấn giữ miền duyên hải sông Chanh. Ông đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong công hầu. Nhân dân trong vùng gọi ông là Quan lớn Tuần Tranh.
Tuy nhiên, ông đã vướng vào một mối tình đẹp nhưng kết thúc không có hậu, khi có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp. Người thiếu nữ ấy vốn là vợ lẽ của quan huyện ở đó, nhưng vốn không hạnh phúc với cảnh "chồng chung", nàng cũng đáp lại tình cảm của ông mà không hề nói cho ông biết là nàng đã có chồng.
Vậy nên Quan lớn Tuần Tranh vẫn đinh ninh đó là một tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Đến khi viên quan huyện kia biết chuyện, vu oan cho ông đã quyến rũ vợ mình nên bị đày ải lên phía bắc.
Để chứng tỏ mình vô tội, ông đã tự sát mong rửa oan. Ông hóa xuống dòng sông Kì Cùng (Lạng Sơn) rồi bơi về bến đò Chanh xưa (nay là xã Đồng Tâm, H.Ninh Giang, Hải Dương).
Tại đây, vào đêm trăng sáng, người ta vẫn thấy chàng tráng sĩ dung mạo khôi ngô bước lên từ dòng sông Chanh. Từ đó, để tưởng nhớ vị quan có nhiều công lao với nhân dân và phải chịu nỗi hàm oan, nhân dân đã lập đền thờ, thờ phụng cho đến ngày nay.