Hội thảo quy tụ gần 100 học giả đến từ Viện Văn học Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, các trường ĐH trong và ngoài nước: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng; ĐH Ryukus, ĐH Meio, ĐH Obirin (Nhật Bản), ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Oregon (Mỹ), ĐH Columbia (Canada), Mahidol (Thái Lan); ĐH Trung Văn (Hồng Kông)...
Trong 2 ngày làm việc, có 74 bản tham luận được trình bày, được chia thành nhiều tiểu ban khác nhau: Vết thương và hành trình chữa lành: Nhìn từ di sản; Chấn thương và chữa lành trong văn học, nghệ thuật VN và Nhật Bản: Từ góc nhìn so sánh; Chiến tranh và hòa giải: Văn học, nghệ thuật có thể làm được gì?; Chữa lành vết thương: Quyền năng tinh thần của các loại hình nghệ thuật; Tự sự của những người dễ bị tổn thương: Hành trình chấn thương và chữa lành của nữ giới và Làm sao trám lại những vết nứt thời thơ ấu?...
Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản. Đây là cơ hội để các nhà khoa học nhìn lại bối cảnh văn học nghệ thuật của các nước châu Á, từ đó suy ngẫm về những sang chấn từ quá khứ đến hiện tại. Từ việc thảo luận, hội thảo đi đến thống nhất về giá trị chữa lành tinh thần được thể hiện trong các sáng tạo nghệ thuật của nhiều loại hình khác nhau.