Nếu nói về trang phục đẹp và phong phú nhất, có lẽ Sân khấu IDECAF đứng đầu với rất nhiều vở kịch từ đề tài xã hội tới dân gian, lịch sử, nước ngoài, cổ tích, với hàng ngàn nhân vật gồm cả người và thú... IDECAF đầu tư rất lớn cho trang phục, nên sân khấu lộng lẫy, sang trọng, thú vị. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn là người dám chi mạnh tay và cũng bởi ông có một nhà thiết kế giỏi là Ngọc Tuấn - người gắn bó mấy chục năm cùng IDECAF, nhờ đó mọi tính toán cho trang phục đều sít sao, tiết kiệm mà cũng đủ đa dạng, phóng khoáng. Huỳnh Anh Tuấn nói: "Trang phục rất quan trọng, không thể xem nhẹ, vì nó tạo hình thức hấp dẫn khán giả. Đặc biệt, với những vở lịch sử thì không thể nào hà tiện được, chẳng những đòi hỏi đầu tư nhiều kinh phí mà còn phải chính xác, hoặc tối thiểu cũng không được mắc lỗi khiến khán giả khó chịu".
IDECAF có những vở như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, Tiên Nga… đều được thiết kế trang phục sang trọng. Dù vở sử nhưng trang phục không quá rườm rà, dày đặc kim tuyến, kim sa, chỉ thêu nhẹ một ít vẫn ra chất sử. Nói đúng hơn, trang phục kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất xưa và hiện đại, khiến người xem thích thú, ngưỡng mộ.
Sân khấu Hồng Vân mùa tết vừa qua có vở Hậu cung ngoại truyện và Tình sử Thăng Long cũng đầu tư lớn và đẹp cho trang phục. Vở ấn tượng với những bộ áo của công chúa Ngọc Hân, nhẹ nhàng thanh thoát, không kim sa, kim tuyến, trâm cài lược giắt quá nhiều, chỉ thấy chất mộc của người Việt, càng tôn thêm thần thái của Ngọc Hân, nhìn đáng yêu và xúc động. Ngay cả trang phục cho các vai khác cũng được nhóm Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp chú trọng thiết kế sao cho đồng bộ, đậm chất Việt.
Vở Bàn tay của trời (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) do Sĩ Hoàng thiết kế nên sang trọng, bắt mắt. Sân khấu 5B có Công lý như mặt trời cũng chịu khó đầu tư trang phục lung linh. Đạo diễn Ái Như nói: "Những vở màu sắc như Bàn tay của trời, hoặc vở có trang phục đặc biệt chẳng hạn đồ tù, đồ nhà sư, đồ te tua rách rưới thì sân khấu phải lo. Vở xã hội thì ông bà bầu đỡ tốn kém vì trang phục do diễn viên tự chọn, tự mua, có khi những áo quần khăn nón đó họ sử dụng được trong cuộc sống nên họ xài luôn. Nhưng tốt nhất vẫn là có người thiết kế để cả vở được đồng bộ, hoặc nếu diễn viên tự sắm thì bản thân tôi cũng kiểm tra rất chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng chỏi nhau, hoặc trớt quớt kiểu như nhân vật nhà nghèo mà áo vải đẹp hoặc tay đeo vòng ngọc…". Ái Như nổi tiếng khó tính, chị tuyệt đối không để sân khấu mắc lỗi như vậy.
BĂN KHOĂN TRANG PHỤC CẢI LƯƠNG
Tuy nhiên, với cải lương, đa số diễn viên thường chuộng những bộ trang phục lộng lẫy vì sợ mình bị "chìm" trên sân khấu. Có thể thấy, trong các vở cải lương, bộ trang phục nào cũng gắn đầy hột đá lấp lánh, nặng đến nỗi di chuyển khó khăn, rồi kim tuyến, kim sa, mắt gà… choán gần hết mặt vải, thậm chí bộ đồ sáng trưng lấp hết khuôn mặt diễn viên, nhìn lên chỉ thấy bộ đồ chứ không thấy khuôn mặt. Trang phục cho cải lương có khi phải đặt hàng bên Hồng Kông,
Trung Quốc, giá lên tới 30 - 40 - 50 triệu đồng/bộ. Hầu như trang phục ấy không hề có chất Việt, dù chỉ để dành diễn tuồng hồ quảng.
Điều tiến bộ là gần đây có những vở sử Việt đã chăm chút cho trang phục rất tốt. Nàng Xê Đa của Sân khấu Đại Việt với tông màu đồng sang trọng, ấn tượng. Xuân về trên đất Thăng Long của đạo diễn Bạch Long cũng "lọc" gần hết kim tuyến rực rỡ, bởi hầu hết nhân vật đều đi chiến đấu. NSƯT Tú Sương vai Bùi Thị Xuân trong bộ đồ rất mộc. Khi mọi thứ lấp lánh bị hạ xuống thì toàn bộ ánh nhìn của khán giả tập trung vào nét diễn của nghệ sĩ, cảm nhận rất rõ thần thái, tài năng.
Nhìn chung, trang phục sân khấu đẹp là cần thiết, nhưng nói như ông Huỳnh Anh Tuấn, những kim sa, mắt gà, kim tuyến đã "già cỗi" 50 năm rồi, giờ nên thay đổi cho hiện đại, sang trọng hơn, phù hợp với lớp trẻ. Trang phục cũng là để tôn vinh chất lượng của vở diễn, diễn xuất của diễn viên.
Nhà thiết kế trang phục sân khấu Tuấn Ngọc, người đã thiết kế gần 600 vở kịch, cải lương, lễ hội, festival…, chia sẻ: "Sân khấu mình eo hẹp kinh phí, khi may trang phục phải tính thật kỹ để đừng bị lỗi, đừng phải may thêm".