Nhà văn Dạ Ngân từng nói: "Không đếm xuể những vấn đề mà nhà báo có văn này quan tâm, bà như một thỏi nam châm, hút lấy mãnh liệt không trừ dữ kiện nào. Liên hồi những đoản văn, những tạp bút, những bài báo đơn thuần nhưng khiến ta liên tưởng mọi thứ khi thỏi nam châm ấy xoay theo thế sự, phận người".
Nước mắt đau và nước mắt thương
Qua trang văn Việt Linh, ta thấy cuộc sống được lắng đọng lại trong những khoảnh khắc dù là nhỏ nhất. Có lẽ vốn đã quen với việc quan sát từ sau màn trập máy quay, mà những thấu thị của bà cũng rất đặc biệt. Nó giản dị, nhỏ bé nhưng lại chan chứa rất nhiều tình cảm.
Đó là chiếc áo dù chưa hoàn thiện cũng sẽ có dịp cất lên tiếng nói, bởi "trong mỗi thứ kỳ cục đều chất chứa một câu chuyện". Đó cũng có thể là tiếng gọi đánh động cho lũ chuột chạy trốn của một bà cụ bán trái cây khi người khác đổ nước sôi xuống cống, nhắc nhở ta về lương tâm. Đó cũng có thể là những bông hoa được bán gây quỹ tại Pháp, tuy ở đâu thì cũng thế thôi, nhưng lại bừng nở với một vẻ đẹp của sự thiện lành...
Những góc nhìn đầy xúc cảm này cũng được nhìn thấy bởi nhà văn Đỗ Bích Thúy khi chị viết: "Tôi đặc biệt mê cái cách quan sát và chiêm nghiệm của chị Việt Linh. Bất kể chuyện gì, dù lặt vặt nhỏ bé đến đâu, qua quan sát của chị đều mang tới một đúc kết, một triết lý vừa giản dị, vừa sâu sắc".
Là người phụ nữ và là một nhà làm phim sẵn tính nhạy cảm, thân phận con người trong trang viết của Việt Linh hiện lên đau thương và đầy bé mọn. Đó là câu chuyện được lấy làm tên của tuyển tập, khi một cô dâu Hàn Quốc phải sống cuộc đời không được may mắn ở nơi xứ người. Đó cũng có thể là những làng Việt ở Pháp, khi họ buộc phải cắt đứt gốc rễ bởi những nỗi đau đến từ lịch sử....
Như bà viết rằng: "Nếu nước mắt mà dập tàn đám cháy, thì nhân gian này đâu còn nỗi đau ai. Nhưng nếu nước mắt mà ráo khô đi cả, thì còn ai thương ai nữa giữa đêm dài…". Cũng chính những câu chuyện ấy tuy nhiều buồn thương, nhưng cũng qua đó đánh động tâm can người đọc một sự đồng cảm cũng như cái nhìn bao dung cho những thân phận không mấy may mắn.
Biến chuyển thời đại
Không chỉ nhìn thấy những nỗi sầu nhân thế, trong nhiều đoản văn, Việt Linh cũng đồng hiện lên như một con người bám sát thời thế. Theo đó bà đã không ngừng suy tư cũng như trăn trở về những sự kiện, tin tức hằng ngày. Đó là nỗi đau vẫn còn ở đó sau sự kiện chìm tàu Dìn Ký hay tàu Sewol, là chuyện ô nhiễm ở Hà Nội... Cái tâm với xã hội, mong muốn cho cuộc sống chung ngày một tốt hơn là điều bạn đọc dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với Việt Linh.
Là một người mẹ, nữ đạo diễn trăn trở về cách nuôi dạy con mình và rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Sống xa quê hương, bà luôn lo lắng con gái mất gốc, nhưng rất mừng vui khi con khóc nhớ Việt Nam sau một chuyến về lại quê mình. Điều đó cũng được nhân lên khi vài tháng trước, con gái của bà - tác giả Hải Anh - vừa về Việt Nam, giới thiệu tiểu thuyết đồ họa Sống có bà là nhân vật chính. Việt Linh hiểu "trẻ con luôn nhớ" và nhắc nhở người lớn có trách nhiệm để ký ức các con không khó quên theo hướng đáng buồn.
Bên cạnh chuyện người chuyện mình, Kẻo tro bay mất cũng có rất nhiều trang viết về phim điện ảnh hay là chuyện nghề đối với riêng bà. Qua đó, ta không chỉ biết những bộ phim hay, mà với cách bình phim khác biệt, độc giả cũng sẽ hiểu thêm những nét đặc sắc, từ đó tự mình trải nghiệm, khám phá những tác phẩm hay của các nhà làm phim danh tiếng thế giới.
Nhà văn - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã nhận xét rằng: "Trong sách của chị, các đạo diễn phim xuất hiện trước mắt chúng ta không chỉ như những nghệ sĩ có tầm vóc, mà còn như những công dân mẫu mực, những con người - những nhân cách lớn. Phim của họ không chỉ khiến người xem 'tin vào điện ảnh' mà còn, trong chừng mực nào đó, 'tin vào con người'".
Nói về những trang viết này, không gì hay hơn lời nhận định của nhà văn Cao Huy Thuần: "Không phải chuyện nào của Việt Linh đều buồn, ngược lại, tiếng cười của chị không hiếm; nhưng khi đọc xong, gấp sách lại, nghe như từ sách thoảng ra một tiếng thở dài. Trong tiếng thở dài ấy thôi, chị thể hiện tất cả đạo lý - đạo lý cách mạng, đạo lý nghệ sĩ, đạo lý làm người, đạo lý làm người Việt Nam".
Đạo diễn Việt Linh tốt nghiệp hạng ưu khoa Đạo diễn Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô VGIK năm 1985. Nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của bà như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng, từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Lập gia đình ở Pháp nhưng bà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, hiện hoạt động chủ yếu trong vai trò biên kịch, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật sân khấu Hồng Hạc.