Vì sao thời trang đường phố bị "thất sủng"?

15:02 - 13/09/2024

Thời trang luôn vận hành như một vòng lặp với sự xuất hiện của những trào lưu mới, “càn quét” rồi thoái trào.

Vì sao thời trang đường phố bị "thất sủng"?

Phong cách thời trang đường phố đang dần giảm sức hút

Vì quá quen với chu kỳ ấy, giới mộ điệu không bất ngờ khi các chuyên gia nhận định rằng thời trang đường phố đang đứng trước nguy cơ bị “thất sủng”, nhường sân cho phong cách khác.

Đồng loạt giảm doanh thu

Một bài viết trên trang New York Post chỉ ra rằng các số liệu về doanh số bán hàng của nhiều thương hiệu thời trang bị giảm sút. Như Supreme - nhãn hàng chuyên phục vụ giới trẻ yêu thích phong cách đường phố, thể thao - giảm 25% so với cùng kỳ. Off-White cũng trên đà thua lỗ khi giảm 34% doanh thu. Nike Jordans không tránh khỏi cảnh tương tự khi doanh số bán ra thấp hơn 35% so với năm trước.

Với những con số đi lùi này, nhiều chuyên gia nhận định không phải kinh tế thị trường tác động đến nhu cầu mua sắm mà chính người tiêu dùng đang theo đuổi phong cách mới, không còn chuộng thời trang đường phố với giày thể thao, quần áo phong cách bụi bặm, rộng rãi.

Theo Noelle Sciacca - Phó giám đốc chiến lược của The RealReal (nền tảng bán hàng xa xỉ trực tuyến) - có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của thời trang đường phố. Trong đó, không loại trừ biến cố của hãng Off-White khi ông chủ, nhà thiết kế Virgil Abloh qua đời đột ngột. Ngoài ra, còn có thể do sự thoái trào của thương hiệu Yeezy do nam rapper Kanye West làm chủ. Chính những phát ngôn gây kích động của người đứng đầu thương hiệu đã ảnh hưởng lớn đến cơ ngơi tỉ đô mà anh gầy dựng được.

Vì sao thời trang đường phố bị "thất sủng"?

Trang phục công sở xu hướng “corp-core” trên sàn thời trang

Trong bối cảnh thời trang đường phố giảm nhiệt, xu hướng thời trang phong cách công sở bất ngờ được ưa chuộng. Đây là điều nhiều chuyên gia không nghĩ tới.

Noelle Sciacca cho biết: “Chúng tôi thấy ngày càng nhiều khách hàng yêu thích phong cách sang trọng, nhẹ nhàng. Họ chất đầy tủ quần áo những chiếc blazer màu trung tính, quần dài và những bộ vest tối giản. Tuy nhiên, theo thời gian, khách hàng không muốn diện trang phục quá đơn giản, truyền thống. Họ muốn cũng từ quần áo công sở nhưng phải thể hiện bản thân nhiều hơn”.

Từ mong muốn này, xuất hiện xu hướng “corp-core” - hiểu nôm na là làm mới tủ đồ công sở để tránh nhàm chán. Khi trào lưu này nở rộ, các hãng thời trang quyết định nâng cấp, biến hóa các thiết kế để mang đến những bộ trang phục vừa quen vừa lạ mắt, ấn tượng.

Vài tháng trở lại đây, những người nổi tiếng như Zendaya hay Sydney Sweeney cũng theo đuổi phong cách thời trang công sở. Họ phá cách khi kết hợp nhiều kiểu dáng trang phục hơn, vẫn là đồng phục công sở với vest, sơ mi, chân váy và quần tây nhưng được phối cùng nhiều trang phục khác để trông trẻ trung, hiện đại.

Nhiều bạn trẻ thích diện phong cách công sở xuống phố. Họ trông sang trọng, nghiêm túc nhưng đầy mới mẻ trong trang phục công sở có đường cắt xẻ, phom dáng lạ mắt.

Theo dữ liệu thống kê, doanh số bán vest của các thương hiệu tăng 25%, số lượng cà vạt bán ra cũng tăng rất ấn tượng: 51%. Những con số trên cho thấy nhu cầu theo đuổi phong cách công sở rất cao.

Trong bài viết mới trên Vogue, sản phẩm thịnh hành nhất mùa thu 2024 là chân váy da midi cổ điển. Đây là một trong những trang phục thường xuyên xuất hiện ở văn phòng, kết hợp cùng áo sơ mi. Thương hiệu Bottega Veneta hay Miu Miu, Khaite cũng đưa váy da vào các bộ sưu tập mới. Chân váy da midi được xem là món đồ không lỗi mốt, gần như xuất hiện trong mọi tủ đồ.

Vì sao thời trang đường phố bị "thất sủng"?

Giới trẻ diện thời trang công sở xuống phố

Xu hướng mua sắm mới

Thời gian qua, người tiêu dùng được cho là chi nhiều hơn để mua trang sức thay vì quần áo. Ngoài ra, số chi tiêu dành cho túi xách cũng cao hơn 20% so với sức mua cùng kỳ. Riêng mức chi cho túi xách tầm giá từ 1.000-3.000 USD tăng lên 13%. Theo báo cáo của The RealReal, đây là mức tăng lớn nhất trong tất cả các hạng mục giá trên sàn.

Để tìm hiểu thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu tìm đến các nền tảng mạng xã hội như TikTok, các sàn thương mại điện tử. Hầu hết đều khẳng định “đã có sự thay đổi lớn” về nhu cầu mua sắm trong ngành thời trang. Khách hàng đang tập trung mua những quần áo có giá trị lâu dài, ít lỗi thời. Nếu sản phẩm nào bền bỉ theo thời gian và có thêm điểm nhấn để tạo sự khác biệt sẽ “cháy hàng”.

Chính xu hướng mua sắm trên cũng góp phần giúp phong cách công sở phổ biến hơn. Với quần tây, chân váy, áo thun trắng..., người mặc có thể sử dụng ngày này qua tháng nọ mà không sợ lỗi thời.
Hiện tại, người tiêu dùng chi tiêu chọn lọc hơn. Ngoài mua quần áo cơ bản để mặc lâu dài, họ còn mua sắm rất sôi nổi tại những “chợ” đồ hiệu cũ vì muốn sau khi dùng, sản phẩm vẫn có thể bán lại để thu hồi một phần tiền.

Trong số này, nhiều khách hàng “săn” túi Margaux của thương hiệu The Row, túi Hermès Kelly và dòng túi Andiamo của Bottega Veneta... Người tiêu dùng xem việc mua sắm như một khoản đầu tư có thể sinh lời. Theo Rati Sahi Levesque - Chủ tịch sàn thương mại The RealReal: “Hơn bao giờ hết, người mua sắm đang sắp xếp tủ quần áo của mình theo hướng tập trung vào sự khác biệt và những sản phẩm có giá trị lâu dài”.

Hiện Chanel, Louis Vuitton, Pharrell William, Prada... là những thương hiệu được “săn đón” nhiều nhất tại các sàn thương mại đồ hiệu cũ. Khách hàng sẵn sàng chi tiền cho các sàn uy tín. Người tiêu dùng không ngại xu hướng “cũ người, mới ta” mà ngại mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Các xưởng sản xuất hàng giả, hàng nhái các thương hiệu xa xỉ mọc lên khắp nơi khiến nguy cơ mua lầm rất cao, đặc biệt ở các tiệm đồ cũ. Nhắm vào tâm lý này, các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đã “nhảy vào” phân chia thị phần.

Về những xu hướng mua sắm mới, các chuyên gia đề cập đến trào lưu diện trang phục sai bối cảnh, chẳng hạn một bộ phận giới trẻ đang mặc đồ công sở đi dạo phố hay đến các tụ điểm giải trí. Họ không còn ngại ngùng mà tự tin với trang phục mình đang diện. Trên trang Vogue, khi viết về xu hướng ưa chuộng giày ballet, tác giả bài viết cho biết không ít người mang ballet đến quán bar thay vì giày cao gót.

Họ cũng mặc trang phục phong cách nữ sinh thay vì diện đầm ôm gợi cảm. Có một thời gian, nhà thiết kế Sandy Liang bị ám ảnh với những đôi giày ballet và nơ. Cô và nhiều nhà thiết kế khác từng tập trung hết sức để tung ra các sản phẩm giày ballet vì sức mua của thị trường đang rất lớn.
Bài viết gần đây trên Instyle cho biết giày ballet hiện có giá từ 200 USD trở lên. Có nhiều phiên bản như đôi Ensemble 59 của Onitsuka Tiger thường được bán với giá hơn 500 USD.

Nếu không sẵn sàng chi tiền mua giày mới, người tiêu dùng có thể mua sắm tại các sàn thương mại đồ cũ.

Theo chủ tịch The RealReal, ngoài sự xuất hiện khá bất ngờ của phong cách công sở, xu hướng tiêu dùng hiện tại trong ngành thời trang còn đặt ra bài toán mới cho các thương hiệu. Giờ đây, họ không thể giữ nguyên hình thức kinh doanh cũ mà buộc phải thay đổi, trước khi cung quá khác cầu.


An Trịnh

Ảnh: Interne

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...