Hai cuộc thi âm nhạc "Âm nhạc mùa thu" và "Hát thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc" năm 2023 vừa khép lại cuối tuần qua tại Hà Nội với 43 giải thưởng được trao.
Cuộc thi Âm Nhạc mùa thu 2023, Cuộc thi Hát thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng 2023 là cuộc thi nghệ thuật do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức.
Nhận xét về chất lượng cuộc thi năm nay, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - nhấn mạnh: "Qua hai cuộc thi, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đào tạo được những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc giao hưởng, thính phòng cổ điển tài năng cho đất nước, góp phần hội nhập quốc tế sâu, rộng và nâng tầm cho nền nghệ thuật âm nhạc của Việt Nam".
Các thí sinh giành giải nhất cuộc thi
Đánh giá về chất lượng chuyên môn hai cuộc thi, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành, Nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: "Phải nói rằng, tính chuyên nghiệp của cuộc thi hát thính phòng-nhạc kịch-hợp xướng đã được yêu cầu cao hơn so với những cuộc thi trước, chất lượng hát cổ điển cũng được nâng cao hơn và đặc biệt, đã có những gương mặt giọng ca tài năng mới".
Trả lời phỏng vấn của VTVNews, sau khi cuộc thi kết thúc, TS Âm nhạc Phương Nga – thành viên Ban giám khảo cuộc thi "Hát thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc" năm 2023, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – cũng cho rằng: "Có thể nói đây là một trong những cuộc thi lớn nhất, uy tín nhất của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho ngành Âm nhạc Việt Nam nói chung và Thanh nhạc nói riêng. Cuộc thi đã thu hút thí sinh ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam từ các cơ sở đào tạo uy tín trong cả nước".
NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục NTBD - tặng hoa Hội đồng giám khảo
"Riêng trong Bảng Thi hát Thính phòng - Nhạc kịch năm nay đã có hơn 60 thí sinh tham gia dự thi ở hai Bảng A (từ 18- 23 tuổi), Bảng B (từ 24 tuổi trở lên). Các thí sinh tham gia chủ yếu ở các cơ sở đào tạo uy tín nhất như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế, Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, các nhà hát lớn của VN: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch thành phố Hồ Chí Minh… Có thể nói, chất lượng cuộc thi năm nay rất tốt. Các thí sinh của hai bảng đã thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Với cách chọn chương trình thi phù hợp với giọng hát để thể hiện tốt nhất khả năng của mình", TS Phương Nga nói thêm.
Cũng theo TS Phương Nga, ở Bảng A, các em tuy còn ít tuổi, nhưng đã rất tự tin thể hiện những aria, romance khó nổi tiếng nhất. Các em đã tập luyện nghiêm túc, say mê và thể hiện rất tốt phần thi của mình. Đó là "một tín hiệu đáng mừng".
TS âm nhạc Phương Nga cho biết, có nhiều tín hiệu đáng mừng từ những cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp vừa qua.
"Có thể kể đến những gương mặt tài năng trẻ đạt giải cao như: Giải Nhất bảng A - Trần Quang Cảnh (sinh năm 2000); Giải Nhì bảng A - Vũ Quang Công (sinh năm 2000); Giải Nhất bảng A - Lê Minh Ngọc (sinh năm 2000). Trong Bảng B (bảng lớn) các thí sinh đã thể hiện "đẳng cấp" của những nghệ sĩ trẻ đã trưởng thành từ các Học viện, các trường và nhà hát… với những gương mặt như: Giải nhất bảng B - Nguyễn Hà My (2003); Giải nhất bảng B - Đỗ Vũ Lan Nhung (1994); Giải nhất bảng B - Trần Quốc Đạt (1994)" – TS Phương Nga chia sẻ thêm.
Theo phân tích của một nghệ sĩ đã có hơn 20 năm ca hát và tham gia đào tạo nhiều thế hệ học trò, để có được những thành công bước đầu như thế này, tất cả các em đã phải chăm chỉ tập luyện hàng ngày trong suốt quá trình học từ Trung cấp (4 năm), Đại học (4 năm), Cao học (2 năm) và có nhiều em đã là những nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp trong các nhà hát với thâm niên công tác rất dài …. "Khổ luyện thành tài" là sự thật của nghệ thuật Hát thính phòng - nhạc kịch" – nữ ca sĩ bày tỏ.
TS Phương Nga và NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Sau cuộc thi, để những tài năng bước ra từ "sân chơi" này được toả sáng trên những sân khấu không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế, theo TS Phương Nga cũng như Hội đồng nghệ thuật cuộc thi, cần có những kế hoạch dài hơi để đầu tư cho bồi dưỡng, đào tạo những tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; có kế hoạch sắp xếp lịch thi hợp lý hơn; đưa quy chế tổ chức chấm thi theo chuẩn mực quốc tế. Và hơn nữa, cần có thêm những cuộc thi Âm nhạc mùa thu, hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng mở rộng với yếu tố quốc tế để sự nghiệp chăm sóc, đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam cập nhật theo trình độ thế giới.
"Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc – 2023"
- 05 giải Nhất: Trần Quang Cảnh, Lê Thị Minh Ngọc (Bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nguyễn Thị Hà My ( Bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trần Quốc Đạt (Bảng B- Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh), Đỗ Vũ Lan Nhung (Bảng B - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam)
- 04 giải Nhì: Vũ Quang Công, Bùi Huyền Trang (Bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nguyễn Bảo Yến, Nguyễn Trường Linh (Bảng B - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam)
- 06 giải Ba: Hoàng Uyên Nhi (Bảng A - Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh), Phạm Bá Vinh (Bảng A - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Võ Nguyễn Thành Tâm, Phan Thị Dịu (Bảng B - Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Hữu Thắng (Bảng B - Trường Đại học VHNT Quân đội), Trần Ngọc Lâm (Bảng B - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...