Những cái “bóng" trong làng thanh nhạc

22:19 - 12/03/2024

Ở nước ta hiện nay (và cũng sẽ rất lâu nữa), đời sống âm nhạc của công chúng vẫn chủ yếu ở lĩnh vực thanh nhạc (ca khúc), chứ chưa phải là khí nhạc (nhạc không lời), bởi chúng ta chưa có nền khí nhạc chính quy và đa phần người dân chưa có thói quen thưởng thức nhạc không lời. Vậy nên đội ngũ ca sĩ vẫn là đối tượng chính tạo nên sự phong phú hay nghèo nàn cho đời sống âm nhạc của họ.

Trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam, có tới hàng ngàn bài hát đã vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian để sống mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng, gắn với những bài đó là tên tuổi của những ca sĩ tài năng đã chuyển tải tác phẩm đến người nghe.

Những cái “bóng" trong làng thanh nhạc

Đội ngũ ca sĩ vẫn là đối tượng chính tạo nên sự phong phú hay nghèo nàn cho đời sống âm nhạc của họ.

Với sự sáng tạo thêm của họ, các ca khúc đã có diện mạo mới, nhanh chóng được người nghe đón nhận và sống mãi theo năm tháng. Đó là những ca sĩ có tài năng lớn, hầu như dễ dàng thuyết phục được tất thảy người nghe. Họ thể hiện bài hát nào là đóng đinh chắc chắn vào trí nhớ của công chúng, để sau họ khó có ca sĩ thứ hai gây được ấn tượng khi hát lại những ca khúc đó. Người ta gọi đó là những cái “bóng”. Trong làng ca hát Việt Nam, quả là có những cái bóng lớn, rợp, trùm lấp, đến mức tới hôm nay vẫn chưa có ai thoát ra được.

Người đầu tiên phải nói đến là Thương Huyền. Có thể nói, bà là người chị cả trong giới nữ ca sĩ hát tân nhạc ở nước ta. Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ngay từ đợt đầu tiên (năm 1984). Đợt đầu tiên này, trong giới nghệ sĩ ca hát chỉ có 3 người được phong danh hiệu cao nhất (hai người còn lại là Quốc Hương và Thanh Huyền).

Những cái “bóng" trong làng thanh nhạc

NSND Thương Huyền

Trong hàng trăm bài hát do bà thể hiện có hai bài hát đến nay chưa có ai so được, chứ chưa nói vượt qua. Đó là bài Ru con (dân ca Nam Bộ) và Biết ơn chị Võ Thị Sáu của Nguyễn Đức Toàn. Giọng bà đẹp, trong trẻo, mềm mại, nuột nà, sáng lung linh như giọt sương. Ngay cả khi bà không còn trẻ nhưng nghe giọng vẫn như thuở mười tám đôi mươi. Cả đời bà gắn bó với Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Người thứ hai cùng thế hệ với Thương Huyền là nam ca sĩ Quốc Hương. Ông cũng được phong NSND ngay từ đợt đầu tiên giống như Thương Huyền. Quốc Hương có giọng nam cao (ténor) ngọt ngào, dân gian, hát rất rõ lời, được lớp công chúng có tuổi và bà con nông dân rất ưa thích với cách hát nồng nhiệt, hết mình, hát như “moi hết tim gan” ra. Ông “độc quyền” nhiều bài: Tiểu đoàn 307, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Những ánh sao đêm, Du kích Long Phú, Trên đường ta đi tới, Hà Tây quê lụa, Bài ca anh Hồ Giáo.

Trẻ hơn một chút, thuộc thế hệ đàn em có Trần Khánh - một giọng hát vàng cùng thời với Thương Huyền (Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam). Ông là một trường hợp hy hữu trong giới nghệ sĩ hát ở Việt Nam. Cuộc đời ông có quá nhiều điều “độc đáo”. Ông từng bị giam dưới cả hai chế độ. Trước giải phóng, từng hoạt động bí mật, bị địch bắt.

Về sau, trong một lần đi công tác cho công an của ta, do sơ xuất để quên giấy tờ, ông bị công an Việt Minh nghi là gián điệp và bắt giam. Cả đời hoạt động ca hát của Trần Khánh với tư cách diễn viên hợp đồng cho Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa được vào biên chế chính thức do có sự can thiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì qua đời trong một tai nạn ô tô trên đường đi tiền trạm biểu diễn ở Quảng Ninh.

Tên tuổi Trần Khánh gắn liền với quá nhiều ca khúc nổi tiếng để về sau, mọi ca sĩ hát lại đều không có ai đạt được hiệu quả như ông đã từng gây ấn tượng đặc biệt. Đó là những bài: Vừng đông hừng sáng (Trần Tất Toại), Tình ca (Hoàng Việt), Mời anh đến thăm quê tôi (Nguyễn Đức Toàn), Nhớ dàn xe nước (Vân Đông), Bài ca người thợ mỏ (Hoàng Vân), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam! (Chu Minh), Hồi tưởng (Hoàng Vân), Tiếng hát gửi dòng sông quê hương (Phan Nhân), Thành phố hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Ca ngợi tổ quốc (Hồ Bắc)…

Trần Khánh có giọng nam cao, nhưng có âm sắc của nam trung (deuxième ténor) ấm áp, rất truyền cảm, âm vực rộng tới hai quãng 8. Giọng ông giàu màu sắc. Lúc mềm mại, du dương, mượt mà; lúc xù xì, gai góc, giàu kịch tính; lúc lại thủ thỉ ân tình và lúc thì trào sôi, uất hận. Vừa trữ tình, vừa anh hùng ca là thế mạnh trong giọng hát của ông, có thể diễn tả rất thành công nhiều ca khúc có phong cách đối ngược.

Những cái “bóng" trong làng thanh nhạc

Ca sĩ Trần Khánh

Thế hệ đàn em, ít hơn Trần Khánh 6-7 tuổi có 3 ca sĩ nổi tiếng, cũng để lại nhiều tiết mục thanh nhạc đặc sắc, trở thành những cái “bóng”. Đó là Quý Dương, Trung Kiên và Kiều Hưng.

Quý Dương có giọng nam trung (baryton) dày, đầy đặn, sang trọng, ấm áp, hùng hồn. Ông rất sở trường thể hiện hai loại ca khúc trữ tình và anh hùng ca. Nhiều bài Quý Dương hát đến nay vẫn độc tôn về hiệu quả: Ước mơ (Nguyễn Đức Toàn), Bình ca (Nguyễn Đình Phúc), Hát mừng chiến thắng (Nguyễn Xuân Khoát), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nguyễn văn Tý), Nhịp cầu nối những bờ vui (Văn An), Đào công sự (Nguyễn Đức Toàn)...

Trung Kiên có giọng nam cao sáng sủa, giàu kịch tính. Ông để lại các bài Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao) và Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà quá đặc sắc đến nỗi các ca sĩ sau này tuy thích nhưng rất ngại trình diễn hai bài trên.

Kiều Hưng thì khiến công chúng không thể quên mỗi khi nghe lại các bài: Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc), Về thăm mẹ (Trần Chung), Em bé Bảo Ninh (Trần Hữu Pháp)…

Có những ca sĩ tuy mức độ nổi tiếng, ảnh hưởng trong đời sống tinh thần của công chúng chưa bằng lớp đàn anh, bậc thầy nói trên. Nhưng bù lại, họ vẫn tạo nên được những cái “bóng” khá to, rợp, khiến đồng nghiệp phải ghi nhận và công chúng tán thưởng. Đó là trường hợp của Quang Phác với Hò biển (Nguyễn Cường), Hò trên núi (Phó Đức Phương), và Doãn Tần với Đường chúng ta đi (Huy Du), Chim yến bay (Nguyên Nhung).

Hai ca sĩ này do hoàn cảnh giảng dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm nhạc, họa Trung ương (Quang Phác) và diễn viên Đoàn ca múa Quân đội (Doãn Tần) nên không có điều kiện thu thanh nhiều trên đài phát thanh nhưng số lượng ít ỏi bài các ông thu đã rất có hiệu quả mà mấy bài vừa dẫn ở trên đã gắn liền với tên tuổi của họ. Bất cứ một ca sĩ nào khác hát những bài này, đều không gây được hiệu quả như hai ông đã tạo nên.

Để có được những cái “bóng” như đã nói, không hẳn vấn đề là người hát lần đầu tiên một ca khúc xuất sắc. Điều chính yếu phải là sự thể hiện hết mình của một ca sĩ vừa có giọng hát đặc sắc, vừa có sự sáng tạo. Tác phẩm lại phù hợp với chất giọng, phong cách của họ. Ca sĩ hát đầu tiên phải có cách xử lý tốt, “đắt” nhất, diễn tả được hết mọi thần thái của ca khúc.

Lại có những bài hát vốn dĩ đã là cái “bóng” một thời gian dài gắn với một tên tuổi nào đó. Nhưng khi có được một ca sĩ hát lại bài đó rất thành công, còn hiệu quả hơn cả cái “bóng” cũ thì đó chính là sự thoát ra được từ tài năng đặc biệt của người hát sau. Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ ở vào trường hợp này. Nghệ sĩ Tân Nhân là người đầu tiên hát bài này từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đã gây được ấn tượng sâu đậm trong rất nhiều thế hệ công chúng.

Một thời gian khá dài, đã không có ai hát vượt qua được bà. Nhưng gần đây, bài này được Anh Thơ thể hiện, đạt hiệu quả tối đa với giọng hát có hồn, rất truyền cảm cộng với một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, lại có khả năng xâm nhập sâu sắc vào tác phẩm đã khiến người ta phần nào quên được cái bóng của Tân Nhân hơn nửa thế kỷ trước. 

Nhưng những trường hợp như Anh Thơ - thoát ra được cái “bóng” cũ - không nhiều. Không thiếu ca sĩ cũng nổi tiếng, hát rất nhiều bài trên sân khấu, truyền hình, còn là thầy của nhiều ca sĩ trẻ khác, có danh hiệu nghệ sĩ cao nhưng không có một bài nào tạo nên được sự “độc quyền” giống như những trường hợp nói ở trên. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng thường công chúng hay có ấn tượng với người nào hát đầu tiên một ca khúc hay, có giá trị. Họ dễ cho rằng người đó hát hay hơn những người hát sau đó bởi đã gây được ấn tượng.

Sự thực không hẳn như vậy. Tác phẩm hay là một chuyện, người ca sĩ thể hiện tác phẩm ấy ra sao lại là chuyện khác. Ca sĩ thiếu tài, hát dở, không chuyển tải hết được giá trị của tác phẩm đến người nghe thì không thể khiến họ thích thú, có ấn tượng tốt đẹp được. Từng có không ít ca khúc lần đầu tiên đến với thính giả từ sự thể hiện của một ca sĩ nào đó, chỉ vào loại “thường thường bậc trung”, lại ít tìm tòi, sáng tạo để khai thác hết giá trị thẩm mĩ của tác phẩm nên đã không mấy gây được ấn tượng, khiến tác phẩm trôi tuột vào quên lãng. Chỉ đến khi được một ca sĩ tài năng thể hiện lại, bài hát mới bắt đầu có đời sống, đậu lại mãi trong trí nhờ người nghe.

Một số bài hát trở thành những cái “bóng” che rợp vừa nói ở trên không phải trường hợp nào ca sĩ thể hiện cũng là lần đầu tiên, mà rất nhiều khi người đầu hát không phải là họ. Nhưng công chúng đã không biết đến tác phẩm từ sự thể hiện của người đầu tiên.

Bất cứ một ca sĩ nào cũng có thể làm nên một cái “bóng” hoặc bị một cái “bóng” khác che khuất, chùm lấp, khó thoát ra. Nhưng tạo nên được cái “bóng” đó là điều cực khó trong sáng tạo nghệ thuật. Công chúng luôn mong muốn có nhiều những cái “bóng” như thế, đồng thời cũng muốn nó chỉ tồn tại một thời gian ngắn vì sẽ có những tài năng mới, thuộc thế hệ sau thoát ra được. Cũng là chuyện “con hơn cha, nhà có phúc” vậy./.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...