Thật ra bài hát chỉ được một giải thưởng khiêm tốn, nhưng chúng tôi hẹn nhau nhất định phải có mặt ở Quảng Trị (Ngọc Khuê còn trân trọng mang theo cả phu nhân), vì chúng tôi muốn sau khi nhận Bằng khen và giải thưởng, sẽ về Bích La thắp hương dâng và “báo công” với cố TBT Lê Duẩn, sau đó sẽ mang Bằng khen và tặng thưởng về TPHCM tặng cho đồng chí Lê Hãn, nguyên mẫu của bài ca, năm nay đã 94 tuổi, để cho ông hay tình cảm quê nhà Quảng Trị, và các văn nghệ sỹ với cố TBT Lê Duẩn và người con yêu quý của ông...
Buổi chiều ở Bích La, buổi tối chúng tôi về Đông Hà, ngồi ở một quán nhỏ bên sông Hiếu cùng anh Trương Đức Minh Tứ- một nhà thơ nhà báo làm “to”hơn chúng tôi nhiều (anh là Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập báo Quảng Trị) nhưng tuổi đời và tuổi học tổng hợp Văn lại thuộc lớp sau chúng tôi.
Nhà thơ Trương Đức Minh Tứ
Anh lại họ Trương Quảng trị với mẹ tôi, nên tôi hằng yêu quý anh như một người em thân thiết. Đầu xuân này ở TP. HCM, tôi và Trương Đức Minh Tứ đã cùng những người con Quảng Trị làm báo như Trần Trọng Dũng (Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN, con trai bác Trần Trọng Tân), Khắc Văn (Phó tổng biên tập báo Sài gòn giải phóng), Minh Phong (Nguyên PTBT báo Phụ nữ TPHCM, nay là Tổng thư ký Tuần báo văn nghệ TP. HCM), Bùi Phan Thảo - Thư ký tòa soạn báo người Lao động... ngồi đón xuân cùng nhau.
Rồi lại giữa năm, hồi tháng 7 qua, tôi lại có dịp cùng các nhà báo TPHCM theo đoàn nhà báo Hội nhà báo VN, với những 8 Tổng biên tập và phó Tổng biên tập các tờ báo lớn, có đồng chí Trương Hòa Bình dẫn đầu về Quảng trị tri ân các anh hùng liệt sỹ, nên tôi lại có dịp ngồi cùng mâm với Trương Đức Minh Tứ, Đinh Như Hoan (Phó Tổng biên tập báo Nhân dân), Tô Đình Tuân (TBT báo Người lao động), Lê Thế Chữ (TBT báo Tuổi trẻ), Phạm ngọc Toàn (TBT báo Thanh Niên)... và một bông hoa xinh đẹp là Lê Ngọc Hiếu - cháu nội TBT Lê Duẩn và là phó giám đốc một công ty của Vietcombank... ngồi giữa Đông Hà trò chuyện không dứt.
Và giờ đây, lại có dịp cùng Trương Đức Minh Tứ ngồi cùng vợ chồng Ngọc Khuê nghe gió lồng lộng từ sông Hiếu thổi vào. Tính Trương Đức Minh Tứ khiêm tốn giản dị , chân tình, rất lịch sự và hiếu khách nên được các chính trị gia cũng như bạn bè văn nghệ yêu quý ngay từ buổi gặp ban đầu
Với Đại tá, Nhạc sĩ Ngọc Khuê, tôi vốn được thân thiết với anh từ đời lính của mình. Chúng tôi đều từng là những pháo thủ cao xa pháo chiến đấu trong chiến tranh. Rồi hòa bình, hợp cùng những Nghệ sĩ ưu tú Kiều Minh, nhạc sĩ Minh Quang (Sông Lô chiều cuối năm ), phó Giám đốc nhà hát ca múa nhạc quân đội, Nguyễn Thanh Bình, cô gái sinh viên ngoại ngữ xinh đẹp cùng đội nghệ thuật với Đại úy Ngọc Khuê trong đội nghệ thuật của Bộ tư lệnh PKKQ... đã hợp thành một “cạ”, một nhóm bạn nghệ thuật tri âm tri kỷ đến hôm nay.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Toàn quân 2023.
Ngọc Khuê hiền lành, chất phác, chiến đấu rất dũng cảm và làm việc cũng rất chăm chỉ, trách nhiệm . Anh là một đoàn trưởng nghệ thuật, một tài năng âm nhạc xuất sắc của quân đội. Anh chính là tác giả của thiên tình ca bất hủ “Mùa xuân làng lúa làng hoa” cả nước đều hát, mùa xuân nào cũng rộn ràng khắp làng trên xóm dưới.
Đại tá nhạc sĩ Ngọc Khuê từng được Giải thưởng về VHNT do Nhà nước trao tặng năm 2012. Riêng với Quảng Trị, Ngọc Khuê dù quê ở Hoài Đức, Hà Nội, trong chiến tranh thì chiến đấu ở Hàm Rồng Thanh Hóa, nhưng rồi với một duyên tình lạ kỳ, Quảng Trị đã thành mảnh đất tình sâu nghĩa nặng với anh.
Từ năm xưa, khi ở Đoàn Văn công quân chủng PKKQ, anh thường về đây biểu diễn (Tấm ảnh bên dưới ). Lại hơn nữa, anh cùng các nhạc sĩ quân đội nổi tiếng hư Huy Thục (Lê Anh Chiến), Trọng Loan (Hương Loan)... là những nhạc sĩ Quân đội có nhiều bài hát nhất về mảnh đất Quảng Trị quê hương tôi.
Riêng với Ngọc Khuê, đó là các bài hát: “Đời đời khắc ghi Bác Ba Lê Duẩn” (Thơ Lê Khánh Hưng), “Người chiến binh mang tên dòng sông Thạch hãn” Thơ Châu La Việt), “Tiếng hát Mẹ” (Viết về tiếng hát một người nghệ sĩ quê hương Quảng Trị), “Bà nội tôi” (Thơ Lê Khánh Hưng) và “Bài hát về Bác Ba Lê Duẩn” (Thơ Châu La Việt)...
Bởi yêu thơ văn và tính tình Trương Đức Minh Tứ và tài năng Ngọc Khuê, , tôi đã rủ Ngọc Khuê cùng Minh Tứ, cùng một nhà báo làng tôi Mai Xá là Anh Kha,...cùng ngồi bên sông Hiếu để Ngọc Khuê tận hưởng những ngọn gió từ sông Hiếu thổi lên, tận hưởng những hương vị quê nhà Quảng Trị.
Nghĩ là một cuộc hội ngộ ân tình thôi, nhưng bất ngờ một điều diệu kỳ đã đến (Cái giống tài hoa nhận ra nhau rất nhanh). Chỉ từ một bài thơ trong cuốn sổ tay của Trương Đức Minh Tứ, một ánh chớp sáng tạo lóe lên với nhạc sĩ Ngọc Khuê. Một người cha Quảng Trị đã đến với âm nhạc của anh, giản dị, cao đẹp và thiêng liêng, mà chính tác giả thơ là Trương Đức Minh Tứ cũng không hề ngờ tới. Là thơ của mình đấy, mà phút chốc đã thành một bài ca tuyệt vời, lời thơ không sửa lấy một lời, chỉ thêm âm nhạc diệu kỳ chắp cánh..
“Từ đêm ấy bên sông Hiếu” - Nhạc sĩ Ngọc Khuê tâm sự - Tôi khá bất ngờ khi được đọc bài thơ “Kỷ niệm về Cha” của Nhà báo Nhà thơ Trương Đức Minh Tứ, khi anh kể lại một cách rất tình cảm và vô cùng xúc động khi nhớ về một kỷ niệm về người Cha thân yêu của mình. Cha không quản ngại đường xa, núi non hiểm trở để lên tận vùng Cao nguyên Pleiku thăm con trai. Trong đó, tôi rất ấn tượng với tình cảm của nhà thơ khi thấy Cha đêm không ngủ được vì trời cao nguyên gió lạnh, khiến trang thơ của anh “nước mắt nhạt nhòa…”
Nhạc sỹ Ngọc Khuê cùng Đoàn văn công binh chủng PKKQ đi biểu diễn ở Quảng Trị
Cảm xúc quá, tôi bắt tay ngay vào việc chắp cánh bằng giai điệu cho bài thơ. Trong đó, đoạn đầu của ca khúc với nét nhạc xúc động, tình cảm sâu nặng, có đôi nét phảng phất chất dân ca Quảng Trị quê hương Minh Tứ, nhưng đến đoạn B, với âm hưởng phần nào đã được thay đổi , âm điệu dân ca Gia Lai như sáng lên, bừng lên những tình cảm vừa thiết tha, vừa bao la tựa như ta được đứng giữa núi rừng Cao nguyên để hát về tình yêu cao cả của người Cha của mình, hát với đất trời mênh mang cao nguyên Pleiku hùng vĩ.
“Con tự hào về cha đấy cha ơi” thơ Trương Đức Minh Tứ, nhưng đấy cũng chính là điều tôi muốn nói về cha tôi, về những người cha chúng ta giản dị mà tình yêu luôn lớn lao. Và khi đến câu thơ “Mai cha về vùng quê cát trắng, cơn gió lào thổi rát sau lưng, nhìn bóng núi cha lại nhớ lại thương” thì tôi đã phổ thơ với niềm xúc cảm tột độ...
Bài hát “Kỷ niệm về cha” của Ngọc Khuê và Trương Đức Minh Tứ ngay lập tức được sự hưởng ứng của những ca sĩ trẻ hai miền Nam Bắc, chất giọng tương phản nhau, như Võ Thành Tâm- ca sĩ, thạc sỹ âm nhạc của TPHCM với giọng hát baritone trữ tình, sáng và đẹp như lời ngợi khen của nhạc sĩ gạo cội Phạm Minh Tuấn và ca sĩ Mai Chi, giọng soprano nữ cao xuất sắc của quân đội, dã cùng trình diễn rất xúc động và rất thành công bài hát này.
Nhạc sỹ Ngọc Khuê, nhà văn Châu La Việt nhận giải thưởng âm nhạc của Quảng Trị
Sức lan tỏa của bài hát nhanh chóng đến với mọi trái tim người, và mới đây thôi, trong những buổi liên hoan cuối năm của tuổi trẻ sinh viên Tây Nguyên, đã không ít bạn trẻ đệm guitar và “đồng ca” bài hát này. Và ở Quảng Trị, đã có ca sĩ chuyên nghiệp của tỉnh nhanh chóng dựng bài hát để làm tiết mục đặc sắc đi biểu diễn phục vụ những ngày xuân...
Với cảm nhận của tôi, đây là một bài hát rất xuất sắc về tình phụ tử thiêng liêng , mang tính truyền cảm và tính giáo dục cao, tác động mạnh mẽ đến trái tim con người. Và với tôi, một người Quảng trị, nghe như có gió sông Hiếu và gió đỉnh Hàm rồng, đỉnh Chư Nâm lồng lộng Pleiku trong bài ca...
Sâu thăm thẳm, cao vời vợi và xúc động khôn cùng.