Đọc những cảm nhận của bạn nghe đài về bài hát “Hà Nội đêm trở gió” cũng như cảm nhận của những ai từng yêu mến các ca khúc viết về Hà Nội của nhạc sỹ Trọng Đài, hẳn nhiều người sẽ muốn biết, điều gì đã khiến nhạc sỹ Trọng Đài gắn bó với Hà Nội như vậy.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Đài sinh năm 1958 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Ông là con trai nhạc sỹ Nguyễn Trọng Nho. Gia đình ông bà nội của nhạc sỹ Trọng Đài là người sửa nhạc cụ, nên từ nhỏ nhạc sỹ đã sớm được làm quen với nhiều nhạc cụ. Năm 18 tuổi ông theo học Khoa Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam). Sau đó ông được cử đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky – Matxcova (Nga).
Trở về nước, nhạc sỹ Trọng Đài dường như bén duyên với sân khấu điện ảnh khi nhiều tác phẩm âm nhạc của ông viết cho sân khấu, điện ảnh đã trở thành những tác phẩm độc lập. Bài hát “Hà Nội đêm trở gió” đã được đưa ra để thi tìm hiểu ở mục “Đố vui”của chương trình Ca nhạc theo Yêu cầu thính giả tháng 10/1996. Đây là một ca khúc viết về Hà Nội của nhạc sỹ Trọng Đài, sáng tác trên lời thơ của nhà văn Chu Lai.
Đây là dịp để nhiều bạn nghe từ khắp nơi bày tỏ tình cảm và hiểu biết của mình về thủ đô yêu dấu. Bạn Đinh Thị Dân ở làng Đầm, xã Tơ Tung, Gia Lai viết: “Cháu chỉ thấy Hà Nội trên bản đồ, trên tivi mà không cảm nhận được vẻ đẹp của Hà Nội. Nhưng hình như vẻ đẹp của Hà Nội đã hiện về khi cháu nghe bài hát “Hà nội đêm trở gió”. Cảm ơn nhạc sỹ Trọng Đài, nhà văn Chu Lai, đã người nhạc, người thơ để làm nên “Hà nội đêm trở gió”. Hà Nội đêm trở gió mà vẫn nồng nàn ấm áp, bởi với âm nhạc của bài hát, bao con người, bao trái tim đã cùng được sưởi ấm”.
Cảm nhận về bài hát “Hà nội đêm trở gió” bạn Đặng văn Toàn ở Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình viết: “Bài hát chậm rãi dẫn ta vào những kỷ niệm rất đỗi gần gũi thân thuộc mà bất cứ ai từng sống với Hà Nội đều không thể quên”.
Có lẽ là khá tinh tế khi bạn Toàn viết tiếp: “Tôi thích nét nhạc của những ca từ “Hà Nội ơi” và “Chiều mùa thu” như một tiếng gọi, nó thân thiết bởi nó tự nhiên quá. Tác giả nhắc đến Hà Nội mùa thu, đến cơn gió đầu mùa, đến áo học trò và nhất là “nắng vàng hồng tươi những nụ cười” rất uyển chuyển, duyên dáng, trang nhã và hào hoa. Rất Hà Nội, chỉ có Hà Nội, không thể lẫn vào đâu được, không nơi nào có được. Bây giờ dù tôi tự hát hay nghe hát “Hà nội đêm trở gió” thì cũng cho tôi một cảm xúc thật say đắm. Nghe “Hà nội đêm trở gió” một lần nữa chúng ta càng thêm yêu Hà Nội”…
Đọc những cảm nhận của bạn nghe đài về bài hát “Hà Nội đêm trở gió” cũng như cảm nhận của những ai từng yêu mến các ca khúc viết về Hà Nội của nhạc sỹ Trọng Đài, hẳn nhiều người sẽ muốn biết điều gì đã khiến nhạc sỹ Trọng Đài gắn bó với Hà Nội như vậy. Và đây là điều ông đã chia sẻ: “Cảm hứng Hà Nội đến với tôi như một lẽ tự nhiên vậy. Tôi sinh ra tại Hà Nội, cái nôi của gia đình, cái nôi dân ca và những bài ca đi cùng năm tháng của các thế hệ cha chú, đàn anh gần như là món ăn tinh thần của bọn tôi thời trẻ. Tôi thuộc rất nhiều ca khúc về Hà Nội thời tân nhạc, thời chống Pháp, chống Mỹ rồi cả hiện đại nữa. Lớn lên trong kho tàng âm nhạc phong phú như vậy, dễ hiểu là cảm xúc của mình với Hà Nội như là hơi thở, máu thịt, một lúc nào đó sẽ cất lên thành âm nhạc”.
“Hà Nội ơi tươi xanh màu áo học trò/Những con đường thân quen còn đó/Tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm/Hồng Hà ơi buồm ai khe khẽ thuyền về/Cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng/Tiếng ve kêu râm ran suốt đêm hè/Giọng dân ca sao gợi nhắc hồ Gươm…
Hà Nội ơi ta nhớ không quên
Hà Nội ơi trong trái tim ta”.
Bài hát “Hà Nội đêm trở gió” được nhạc sỹ Trọng Đài sáng tác nhạc, lời thơ của nhà văn Chu Lai, bài hát được viết cho một vở kịch cùng tên do nhà văn Chu Lai viết kịch bản, đạo diễn Hoàng Quân Tạo và Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng năm 1993 tại Hà Nội.
Nhạc sỹ Trọng Đài đã có lần kể về việc ông đã sáng tác ca khúc “Hà Nội đêm trở gió”: “Tôi vẫn nghĩ rằng khi làm những bài về Hà Nội thì hình như có một lúc nào đó, những suy nghĩ, những gì mình đã tích lũy từ trước thì đến cái ngày, cái thời điểm ấy nó trở về, để mình diễn tả… Và để mà hoàn thiện bản nhạc đó, tôi có một vài điều chỉnh ví dụ như đoạn điệp khúc liên quan đến Hà Nội thì có nhấn mạnh đến mùa thu, rồi nắng vàng hồng tươi những nụ cười…là những ký ức đối với người Hà Nội dù có đi đâu đi xa thì vẫn cứ mãi mãi ở trong họ. Vì thế mới có câu: Hà Nội ơi ta nhớ không quên”.
Lý giải thêm về điều này ông cho biết: “Những từ ấy dường như hướng người ta đến cái chuyện, chắc là anh phải đi xa hoặc, chắc anh phải có kỷ niệm gì đấy với Hà Nội và cái đó nó rất phù hợp với khía cạnh giai đoạn của vở kịch cũng như những ký ức, những dòng chia sẻ, suy tư về Hà Nội cái thời mà chúng tôi đã trải qua”.
Tiếp nối ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” là ca khúc: “Chị tôi” được phổ từ bài thơ “Cho một ngày sinh”của nhà thơ Đoàn Thị Tảo viết cho phim “Người Hà Nội”, ca khúc “Mùa lá rụng”; rồi những ca khúc nhạc phim khác như “Đất và người”; “Chuyện phố phường”… đều là những ca khúc hay viết cho phim của nhạc sỹ Trọng Đài được đánh dấu từ sự khởi đầu thành công của ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” – sự khởi đầu quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ Trọng Đài.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...