Trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam ra sân với sơ đồ 3-4-3 quen thuộc. Bộ 3 trung vệ được HLV Kim Sang-sik lựa chọn là Đỗ Duy Mạnh - Nguyễn Đức Chiến - Bùi Tiến Dũng. Dựa vào khả năng chơi chân tốt của cả 3 trung vệ này, đội tuyển Việt Nam triển khai lối đá áp đặt lên đối phương một cách tương đối triệt để.
Đầu trận, Đức Chiến hay Duy Mạnh thường xuyên sử dụng những đường phất bóng dài ra hai biên để Khuất Văn Khang, Phạm Xuân Mạnh băng xuống. Tuy nhiên, phương án này tỏ ra không hiệu quả.
Đội tuyển Việt Nam lập tức đổi sang chơi bóng ngắn. Lúc này, cả 3 trung vệ đều dâng lên rất cao, đẩy hệ thống phòng ngự đội tuyển Philippines lùi rất sâu về phần sân nhà. Có nhiều thời điểm, ngoại trừ Đặng Văn Lâm thì cả 10 cầu thủ đội chủ nhà cùng có mặt trên phần sân đối phương.
Nhờ đó, đội tuyển Việt Nam tạo ra một số tình huống phối hợp trung lộ nguy hiểm nhưng đáng tiếc là các cầu thủ chưa xử lý mượt mà ở những tình huống quyết định.
Nhưng lúc này, sơ hở cũng bắt đầu lộ ra.
Khi dâng quá cao, đội tuyển Việt Nam để các cầu thủ tấn công đội tuyển Philippines dễ dàng khai thác khoảng trống phía sau lưng hàng hậu vệ. Chỉ cần một đường phất bóng tốt, đội khách có thể khiến khung thành thủ môn Đặng Văn Lâm chao đảo.
Một phần nguyên nhân đến từ việc HLV Kim Sang-sik đã chọn những cầu thủ phòng ngự không phải là chất lượng nhất. Đức Chiến, Tiến Dũng không có tốc độ, thể lực tốt để chạy đua một quãng dài (khoảng từ nửa sân đến gần khung thành) với các cầu thủ trẻ khỏe của Philippines.
Khuất Văn Khang lại vốn là một cầu thủ tấn công nên không có cảm quan không gian tốt, kỹ năng phòng ngự cũng còn hạn chế. Trong khi đó, Duy Mạnh cũng phạm sai lầm ở bàn thua đầu tiên. Anh để đối phương "vặn sườn" tương đối đơn giản.
Ở một cuộc chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, bình luận viên Ngô Quang Tùng từng nói: "Duy Mạnh có kinh nghiệm, có khả năng chuyền bóng tốt, cần thiết cho việc gắn kết lối chơi nhưng vốn là tiền vệ trung tâm nên cũng có một số hạn chế về mặt theo người, phòng ngự".
Những sai lầm thế này không được phép tái diễn ở trận gặp đội tuyển Iraq.
HLV Kim có thể thay đổi như thế nào?
Trước một đối thủ mạnh hơn nhiều là đội tuyển Iraq, HLV Kim khó lòng cho các học trò chơi áp đặt. Đó sẽ là cách tiếp cận quá mạo hiểm. Đội tuyển Việt Nam buộc phải chơi phòng ngự phản công, chờ đợi cơ hội nên cũng rất có thể HLV sẽ đưa ra một số điều chỉnh nhân sự hàng phòng ngự.
Rất may là Bùi Hoàng Việt Anh, trung vệ hay nhất Việt Nam thời điểm này, sẽ trở lại ở trận gặp Iraq sau khi hết án treo giò. Nhiều khả năng Đức Chiến phải nhường lại vị trí trung vệ thòng cho cầu thủ của CLB Công an Hà Nội.
Tại 2 vị trí trung vệ lệch, HLV Kim có thể trao cơ hội cho Nguyễn Thanh Bình để thay Tiến Dũng hoặc Duy Mạnh. Trung vệ sinh năm 2000 sở hữu thể hình tốt hơn, chống bóng bổng tốt hơn hẳn hai người đàn anh. Về mặt thể trạng hay phong độ, bình luận viên Ngô Quang Tùng cũng đánh giá cao Thanh Bình.
Ở 2 biên, HLV Kim có thể chọn 2 trong số 3 cầu thủ Phạm Xuân Mạnh, Hồ Tấn Tài, Vũ Văn Thanh. Họ đều là những mẫu hậu vệ biên công thủ khá toàn diện, sở hữu nền tảng thể lực dồi dào và nhất là có đủ sức mạnh để tranh chấp với các đối thủ to cao bên phía Iraq.
Chúng ta ghi nhận khả năng tham gia tấn công tốt của Phan Tuấn Tài. Nhưng cũng phải thừa nhận anh dễ bị khai thác bởi điểm yếu sức mạnh, khả năng tranh chấp phòng ngự nên được tung vào sân trong hiệp 2 sẽ hiệu quả hơn.
“Trong những thời điểm như thế này, đội tuyển Việt Nam không được vội vàng và chúng ta mới là đội phản công nhiều khi gặp đội tuyển Iraq. Để đảm bảo tính an toàn, Phan Tuấn Tài có thể được vào sân từ băng ghế dự bị.
Và ở khoản chống phản công, các cầu thủ tuyến trên cần pressing tốt hơn để hạn chế khả năng phát triển bóng của đối thủ. Có như vậy, sức ép dành cho hàng thủ mới được giảm đi”, cựu tuyển thủ Nguyễn Tuấn Phong chia sẻ với Báo Thanh Niên.
Đội tuyển Việt Nam vẫn chưa hết cơ hội vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Và để lách qua khe cửa hẹp thành công, HLV Kim Sang-sik trước mắt cần bịt kín con đường dẫn đến khung thành thủ môn Đặng Văn Lâm (cũng có thể là Nguyễn Filip) và việc thay đổi nhân sự hàng thủ là yếu tố then chốt.