Cả 5 cầu thủ CLB Hà Tĩnh vừa bị bắt vì sử dụng ma túy đều đã trên 18 tuổi, đủ tuổi tự chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. Dĩ nhiên lỗi lầm thuộc về bản thân họ vì không thể giữ mình trước cám dỗ. Tuy nhiên, CLB cũng có một phần lớn trách nhiệm. Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã ra công văn đề nghị lãnh đạo và ban huấn luyện các CLB tăng cường công tác quản lý cũng như giáo dục cầu thủ. Các đội bóng tại V-League cũng đã nghiêm túc thực hiện. HLV Vũ Tiến Thành của CLB HAGL nói: "Tôi nghĩ bài học của CLB Hà Tĩnh sẽ cảnh tỉnh tất cả các đội bóng. Bài học này tôi đã nói trước toàn đội HAGL. Tôi dặn mọi người phải giữ mình, rằng các bạn phải biết trân quý cuộc sống của mình, biết trân quý bóng đá đỉnh cao mà mình đang theo đuổi".
Nhiều HLV đã tổ chức họp đội, dặn dò thêm các cầu thủ trong mỗi buổi tập về sự việc ở CLB Hà Tĩnh. Thành viên một CLB ở V-League chia sẻ với Báo Thanh Niên: "HLV trưởng của chúng tôi nhấn mạnh tất cả các cầu thủ phải hoàn toàn tập trung vào bóng đá, phải biết nói không với mọi tệ nạn". HLV Văn Sỹ Sơn của CLB Quảng Nam nói: "Các cầu thủ phải chuyên nghiệp, phải tự giác vì bóng đá là mưu sinh, cần câu cơm. Bây giờ có ít nghề kiếm được nhiều tiền như bóng đá. Các cầu thủ cần phải giữ mình trước tất cả những cám dỗ, trước tất cả cuộc chơi".
NGUYỆN VỌNG CHÍNH ĐÁNG GỬI VFF
Lãnh đạo một CLB tại V-League cho biết CLB của ông đã tăng số buổi sinh hoạt chung để có thể trò chuyện, dặn dò nhiều hơn với các cầu thủ. Các HLV, hay thậm chí là những cầu thủ đàn anh trong đội, sẽ chia sẻ những kinh nghiệm sống, nhắc nhở thêm về trách nhiệm của bản thân đối với CLB, gia đình và cả xã hội.
Một số CLB đề đạt nguyện vọng: "Chúng tôi mong muốn VFF, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) sẽ thực hiện định kỳ việc kiểm tra chất cấm đối với cầu thủ. Nên học tập mô hình ở nước ngoài. Các cầu thủ phải tuân thủ việc kiểm tra chất cấm ở bất kỳ thời điểm và địa điểm được VPF yêu cầu mà không cần báo trước. Các mẫu thử có thể được lấy trước hoặc sau trận đấu và không giới hạn số lần thử cũng như tần suất lấy mẫu. VFF và VPF mà nghiêm, các CLB cũng sẽ không còn hời hợt trong công tác giáo dục, giám sát cầu thủ".
CHÚ TRỌNG KHÂU DẠY LÀM NGƯỜI
So với trước đây, hiện các cầu thủ trẻ được ăn học đàng hoàng, bài bản hơn rất nhiều. Một số lò đào tạo lớn như HAGL, PVF, Hà Nội… cho học viên học văn hóa, nâng cao ngoại ngữ và các kỹ năng khác. Thậm chí một số cầu thủ còn chủ động đăng ký học đại học, học bằng HLV ngay khi còn thi đấu. Điều đó cho thấy ý thức của cầu thủ VN ngày càng cao.
Nhiều lò đào tạo đã đặt việc giáo dục văn hóa làm nền tảng trung tâm, bên cạnh đào tạo chuyên môn. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang, trực thuộc Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T - nguồn cung cấp cầu thủ cho CLB Hà Nội trong tương lai - khẳng định sẽ đổi mới quy trình đào tạo, chú trọng khâu dạy "làm người" cho cầu thủ trẻ.
"Chúng tôi đang thí điểm chương trình giáo dục cầu thủ, tập trung cả vào việc dạy cầu thủ trở thành người có nền tảng văn hóa tốt. Theo chúng tôi, độ tuổi quan trọng nhất là U.9, U.11 vì đến tầm U.15 cầu thủ bắt đầu vào độ tuổi dậy thì nên rất khó kiểm soát. Tại trung tâm chúng tôi, sau các buổi tập, HLV cũng sẽ chia sẻ thêm rất nhiều về đời cầu thủ, đưa ra các bài học từ chính trải nghiệm cá nhân, xoáy mạnh vào những phương thức học "làm người" cho cầu thủ trẻ", đại diện Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang chia sẻ với Báo Thanh Niên.
Sự giáo dục từ CLB, trường học đương nhiên sẽ đóng những vai trò quan trọng trong hành trình phát triển của một cầu thủ. Tuy nhiên, bản thân cầu thủ đó luôn phải giữ được ý thức, luôn phải học hỏi, giữ được sự chuyên nghiệp từ khi còn trẻ đến lúc trưởng thành. Bởi lẽ các CLB không thể kiểm soát hoàn toàn cầu thủ 24/24. Chỉ có ý thức mới giúp họ phát triển và hoàn thiện mình. (còn tiếp)
CẦU THỦ PHẢI GIÁM SÁT LẪN NHAU
Trưởng đoàn một đội bóng cho biết: "Ở V-League, các cầu thủ chủ yếu sinh hoạt tập trung tại đại bản doanh của CLB. Vì thế, các cầu thủ có thể nắm bắt được thói quen sinh hoạt, dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong đời sống cũng như tập luyện của các đồng đội. Trong một tập thể có đến khoảng 30 cầu thủ, HLV trưởng và một số thành viên trong ban huấn luyện khó theo sát được tuyệt đối. Vì thế, việc giám sát lẫn nhau của các cầu thủ cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, điều đáng nói là các cầu thủ vẫn còn tâm lý bao che, muốn sự việc được giải quyết trong êm đềm. Do đó, CLB cần khuyến khích các cầu thủ mạnh dạn hơn, sẵn sàng đứng ra tố cáo nếu phát hiện sai phạm của đồng đội, như cách Phan Văn Tài Em đã làm ở SEA Games 23".