Chỉ trong vòng ít ngày, có đến 2 đội tại V-League thay HLV. Ngày 11.5, CLB SLNA thay HLV Phan Như Thuật bằng HLV Phạm Anh Tuấn. Đến tối 14.5, CLB Công an Hà Nội (CAHN) chỉ định HLV Trần Tiến Đại thay HLV Kiatisak Senamuang, sau khi “Zico Thái” tuyên bố từ chức vào buổi trưa cùng ngày.
Áp lực thành tích ở giai đoạn cuối mùa giải quá lớn khiến cho các đội bóng phải “thay tướng giữa dòng” (SLNA). Ở chiều ngược lại, cũng có trường hợp chính các HLV nghĩ đến chuyện phải thay đổi công việc (Kiatisak).
Cho dù, không phải HLV nào bị thay thế cũng kém tài. Ví dụ như ít người dám nói HLV Kiatisak là HLV kém. Bản thân ông Kiatisak từng 2 lần vô địch AFF Cup 2014 và 2016, đưa đội tuyển Thái Lan vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2018, giúp đội Olympic Thái Lan vào bán kết ASIAD năm 2014. Đây đều là những thành tích tốt nhất mà bóng đá xứ sở chùa vàng có được trong khoảng 20 năm qua.
Ở V-League, HLV Kiatisak gần như đã vô địch giải đấu này năm 2021, nếu như giải V-League năm đó không bị hủy vì dịch Covid-19. Ông là HLV duy nhất giúp HAGL tiến sát đến ngôi vô địch V-League đến vậy, trong khoảng 20 năm qua, sau khi đội này có lần gần nhất đăng quang từ tận năm 2004.
Trước nữa, người thay thế HLV Kiatisak ở CLB HAGL là ông Vũ Tiến Thành dù thất bại ở CLB TP.HCM, nhưng mới chân ướt chân ráo lên Gia Lai, ông Thành lại thành công. HLV Vũ Tiến Thành giúp CLB HAGL gần như an tâm trụ hạng cho đến thời điểm này của mùa giải V-League 2023-2024.
Rồi người thay HLV Vũ Tiến Thành ở CLB TP.HCM cách nay vài tháng là HLV Phùng Thanh Phương cũng tương tự như thế. Năm ngoái vị HLV này thất bại ở CLB Sài Gòn, khiến đội rớt hạng. Nhưng khi chuyển sang nắm đội TP.HCM, ông Phùng Thanh Phương lại thành công, vực dậy một tập thể yếu kém, giờ cũng đã gần như an toàn trụ hạng. Điều này phản ánh, các HLV bị thay thế chưa hẳn là những HLV kém. Việc họ thành công hay không thành công ở thời điểm nào đó, đôi lúc phụ thuộc vào sự thích hợp với đội bóng mà họ cầm quân, phụ thuộc vào thời điểm mà họ cầm quân (ví dụ như thời điểm mà các HLV Vũ Tiến Thành và Phùng Thanh Phương tiếp quản các đội HAGL và TP.HCM, các đội này gần như không còn đường lùi, các cầu thủ buộc phải siết tay nhau tiến về phía trước, các HLV vì thế ít nhiều có lợi thế về mặt tinh thần).
Vòng quay chưa dứt?
Kể từ đầu mùa, số CLB đã thay HLV khá nhiều: TP.HCM, CAHN, Thể Công Viettel, Hà Nội FC, SLNA, HAGL, Khánh Hòa (đúng bằng 1 nửa số lượng đội tham gia giải). Cá biệt, có đội thay HLV đến vài lần: CAHN, Khánh Hòa, Thể Công Viettel, Hà Nội FC…
Chi tiết này phản ánh nghề HLV tại V-League không phải là nghề dễ làm. Từ đây đến cuối mùa, khả năng vòng xoáy thay thế HLV tại V-League có khi vẫn chưa dừng lại.
Ví dụ như đội Khánh Hòa chỉ chờ cái gật đầu của HLV Hoàng Anh Tuấn là có khi sẽ tiếp tục thay tướng lần nữa (chính HLV Trần Trọng Bình của Khánh Hòa đã thừa nhận điều này). Hoặc không loại trừ khả năng HLV Mano Polking thay thế HLV Trần Tiến Đại ở CLB CAHN.
Ông Polking từng thất bại tại V-League khi còn dẫn dắt CLB TP.HCM giai đoạn các năm 2020 – 2021, nhưng biết đâu nếu dẫn dắt CLB CAHN, vị HLV mang 2 quốc tịch Đức và Brazil này lại thành công. Lực lượng của CAHN vẫn đủ để họ đua đến ngôi vô địch, và có khi HLV Mano Polking phù hợp để đua tranh danh hiệu (vô địch AFF Cup 2020 và 2022 cùng đội tuyển Thái Lan), hơn là chèo chống một đội bóng gặp nhiều khó khăn ở giữa bảng xếp hạng như CLB TP.HCM ngày nào.
Khó đem thành bại nhất thời để đánh giá năng lực của từng HLV. Chỉ có một điều chắc chắn, V-League không hề là mảnh đất dễ chịu đối với các nhà chuyên môn, họ phải chuẩn bị sẵn tâm lý đối diện với nhiều áp lực, tâm lý có thể mất việc bất cứ lúc nào!