Thống kê này có thể nhìn trên hai khía cạnh: nói Tây Ban Nha ghi bàn nhiều cũng đúng, hay nói những ứng viên vô địch còn lại ghi bàn nghèo nàn cũng không sai.
EURO 2024 bị chê là một trong những giải đấu khan hiếm bàn thắng nhất, khi trung bình mỗi trận đấu ở vòng knock-out chỉ có 2,3 bàn được ghi. Các đội lớn như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha ngày càng thực dụng và toan tính, dù có cả tá ngôi sao trong đội hình. Những ứng viên vô địch thực thụ đều đá để không thua, hơn là đá để thắng. Đó là sự chặt chẽ cần thiết, ở giải đấu theo thể thức cúp mà đã thua rồi là chẳng còn cơ hội sửa sai.
Tuy nhiên, chính điều ấy càng khiến chức vô địch của Tây Ban Nha giá trị hơn. Bóng đá đã không... trở về quê hương như đội tuyển Anh mong đợi, mà trở về với quê hương của đội tuyển đã thực sự chơi để tìm kiếm chiến thắng, chơi với niềm vui nguyên thủy, tinh thần không sợ hãi, cùng nhiệt huyết trong trẻo như những gì Tây Ban Nha đã thể hiện.
Tây Ban Nha đã đá trận chung kết với Anh như tất thảy những trận đấu mà thầy trò HLV Luis de la Fuente từng thắng trước đó. "La Furia Roja" kiểm soát thế trận, phải lưu ý quan điểm này. Tây Ban Nha đã thực sự kiểm soát được nhịp chơi, khoảng không trên sân, cũng như thời cơ tăng tốc để đả thương đối thủ, thay vì chuyền bóng vô hồn, máy móc như trước đây.
Chính sự kiểm soát của Tây Ban Nha khiến Anh, dù đã đoán trước lối chơi, cũng gần như không thể phản kháng. Đội bóng của HLV Gareth Southgate phải lùi sâu chống đỡ, phòng ngự chịu đựng áp lực rồi chờ thời cơ phản đòn. Song, bởi Tây Ban Nha kiểm soát đối thủ rất tốt, sai số để Anh bấu víu tìm cơ hội cũng nhỏ đi.
90 phút trước Anh trên sân Olympic là bản tóm tắt chuẩn mực những gì tinh túy nhất của Tây Ban Nha ở EURO 2024. Không chỉ vận hành phòng ngự lẫn tấn công nhuần nhuyễn và bài bản, Rodri cùng đồng đội còn giữ nhịp rất tốt, không bị xao động bởi những biến cố trong trận. Sau khi bị Anh gỡ hòa, Tây Ban Nha vẫn làm chủ trận đấu, dập tắt cơn hưng phấn của đối thủ bằng nhát kiếm định mệnh của Mikel Oyarzabal.
Ở bán kết gặp Pháp, Tây Ban Nha sớm thủng lưới, nhưng vẫn duy trì thế tấn công chuẩn chỉ như một cỗ máy để ngược dòng. Hay trong trận gặp Đức, Tây Ban Nha cũng bị gỡ hòa cuối trận, bị Đức gây sức ép trong hiệp phụ, để rồi vẫn ấn định chiến thắng ở những giây cuối cùng.
Tây Ban Nha khép lại EURO 2024 với 15 bàn thắng, phá kỷ lục Pháp từng thiết lập ở EURO 1984. Sẽ còn tranh cãi về sự vĩ đại của hai kỷ lục, khi Tây Ban Nha cần 7 trận để ghi 15 bàn, còn Pháp chỉ cần 5 trận để ghi 14 bàn.
Dù vậy, nếu Pháp năm xưa hô hấp nhờ "buồng phổi" của huyền thoại Michel Platini (ghi 9 bàn), Tây Ban Nha lúc này không dựa vào bất cứ cá nhân nào.
Tính tập thể của Tây Ban Nha được thể hiện ở chính Rodri, cầu thủ vừa đoạt danh hiệu xuất sắc nhất EURO 2024. Rodri thầm lặng, hoạt động như một cỗ máy đếm nhịp, giúp Tây Ban Nha luôn cân bằng giữa tấn công và phòng ngự. Rodri chưa bao giờ (và cũng không muốn) là một siêu sao. Anh không dùng mạng xã hội, thi đấu chăm chỉ, đóng thùng sơ vin "nghiêm túc" trên sân. Còn ở ngoài sân, Rodri lại tận dụng thời gian rảnh rỗi lại nấu ăn hoặc tự học.
Sự cần mẫn của Rodri trở thành chuẩn mực cho Tây Ban Nha thế hệ mới. Một thế hệ mà mọi nhân tố đều quan trọng, nhưng không có ai đứng trên tập thể. Một đội bóng thực sự "bình dân" với nhiều cầu thủ trẻ hoặc đang chơi cho các đội trung bình, nhưng cùng nhìn về một hướng, cùng chiến đấu và tận hưởng trái ngọt. Từ Rodri đến Lamine Yamal, Nico Williams, Dani Olmo, Mikel Oyarzabal hay chính HLV De la Fuente đều như vậy. Tất cả đều giản dị và tận hiến.
EURO 2024 có thể thú vị hoặc nhàm chán, tùy góc nhìn đánh giá. Nhưng chắc chắn giải đấu năm nay đã tìm được "minh chủ" xứng đáng. Thậm chí xứng đáng nhất trong nhiều năm qua!