Ukraine đối mặt rủi ro khi dùng F-16 tấn công vào lãnh thổ Nga

10:18 - 22/06/2024

Một số thành viên NATO đã cho phép Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 mà họ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga. Dù vậy các chuyên gia cho rằng đây không phải là chiến lược sử dụng tốt nhất đối với Kiev.

Hai thành viên NATO là Đan Mạch và Hà Lan đã cho phép Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 do những nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga.

Hiện chưa rõ Ukraine có ý định làm như vậy hay không, cũng không rõ tuyên bố của Đan Mạch và Hà Lan có nghĩa là F-16 có thể bay vào không phận Nga để tấn công hay chỉ có đạn dược phóng từ tiêm kích này được đánh vào mục tiêu trên đất Nga.

Khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng ngăn Kiev tấn công mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Điều này tạo cho Moscow một không gian an toàn để tiến hành các cuộc tấn công và khiến Kiev gặp bất lợi rất lớn. Các nhà phân tích đã mô tả tình huống của Ukraine giống như phải chiến đấu với một tay bị trói sau lưng.

Tuy nhiên, một số đối tác đã thay đổi cách tiếp cận trong vài tuần qua, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 theo cách như vậy, tiếp sau đó là Hà Lan.

Việc được phép không có nghĩa là Ukraine sẽ làm điều đó. Các chuyên gia quân sự cho rằng, đây có thể không phải là cách sử dụng F-16 tốt nhất đối với Ukraine, ít nhất là vào lúc này.

Nguy cơ mất cả tiêm kích và phi công

Ukraine dự kiến ​​sẽ nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào mùa hè này. Ông George Barros, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ cho rằng, việc sử dụng máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga vào thời điểm này không có nhiều ý nghĩa về mặt quân sự.

“Bay càng gần biên giới và đi càng sâu vào lãnh thổ Nga sẽ càng nguy hiểm và Ukraine có nguy cơ mất cả máy bay chiến đấu hiện đại cũng như phi công giàu kinh nghiệm mà không dễ dàng thay thế”, ông Barros nói.

Theo ông Barros, trong tương lai, khi có nhiều máy bay chiến đấu hơn, một chiến lược như vậy có khả năng mang lại lợi ích đáng kể cho Ukraine, nhưng đây không phải là những gì họ có thể làm ở thời điểm hiện tại.

Việc Ukraine được sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công Nga là một cú hích lớn cho Kiev, nhưng chưa hẳn đã là tốt nhất đối với phi đội F-16 với số lượng ít ỏi trước mắt.

Ông Mark Cancian, một đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu và là chuyên gia chiến lược quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cũng cho rằng Ukraine sẽ để các máy bay F-16 cách xa tiền tuyến nhằm tránh vòng vây của phòng không Nga.

Những chiếc F-16 khi được trang bị tên lửa chống bức xạ như AGM-88 HARM có thể được sử dụng để nhắm vào lực lượng phòng không Nga trong các nhiệm vụ trấn áp và tiêu diệt, nhưng đó sẽ là những hoạt động đầy thách thức và nhiều rủi ro.

F-16 là mục tiêu hàng đầu của Nga

Tim Robinson, chuyên gia hàng không quân sự tại Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh, cho biết F-16 có thể hữu ích trong việc tấn công các mục tiêu ở Nga vốn nằm ngoài tầm bắn của các loại vũ khí khác.

F-16 có khả năng đó, nhưng tấn công vào bên trong Nga là một nhiệm vụ nguy hiểm, đặc biệt đối với mẫu máy bay thế hệ thứ 4 có chuyến bay đầu tiên từ năm 1974.

Ukraine đã yêu cầu phương Tây cung cấp tiêm kích hiện đại ngay từ giai đoạn đầu khi xung đột với Nga mới bắt đầu bùng phát, nhưng phải đến tháng 5/2023, Mỹ mới bật đèn xanh cho các đồng minh cung cấp F-16 cho Ukraine.

Ông Robinson không cho rằng Ukraine khi đã có được những chiếc tiêm kích phương Tây lại chấp nhận rủi ro để mất chúng ngay sau đó.

Peter Layton, một thành viên tại Viện Griffith châu Á và là cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia, nói rằng Ukraine sẽ muốn giữ F-16 “an toàn”. Kiev sẽ phải thận trọng với F-16 vì họ không nhận được số lượng nhiều trong tương lai gần.

Một vấn đề khác là Ukraine vẫn đang thiếu phi công lái F-16. Theo Politico, sẽ chỉ có khoảng 20 phi công Ukraine được đào tạo lái F-16 trong năm nay và điều này sẽ hạn chế số lượng máy bay Ukraine có thể đưa vào tham chiến.

Giáo sư Michael Clark, chuyên gia về Nga và Ukraine, đồng thời là cố vấn an ninh quốc gia Anh, cho biết Ukraine đặt nhiều kỳ vọng về hiệu quả của F-16. Kiev cho rằng máy bay này sẽ cực kỳ hữu ích để chống lại Moscow, nhưng họ sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phương Tây nếu để xảy ra tổn thất lớn hoặc không tạo được đột phá trên chiến trường.

“Mọi người đều biết rằng, trong các cuộc xung đột rất khó tránh khỏi có những thất bại và những điều không diễn ra như kỳ vọng trong lần đầu tiên. Tuy nhiên, một thất bại rõ ràng của F-16 sẽ gây tổn hại rất lớn về mặt chính trị cho Ukraine”, ông Clark bình luận.

Do đó, Ukraine có thể sẽ phải cân nhắc rằng, đối với những chiếc F-16 mà họ có, “tốt hơn là nên giữ chúng lại cho đến khi họ có số lượng lớn để có thể triển khai các nhiệm vụ nhiều rủi ro”.

Chiến lược tốt nhất là phòng thủ

Một số chuyên gia nhận định, Ukraine sẽ không để F-16 bay vào không phận Nga vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Ngay cả việc bay qua lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát cũng vậy.

Theo ông Cancian, Ukraine có thể tiến hành “một hoặc hai cuộc đột kích sâu ở Crimea nhằm mục đích mang tính biểu tượng và tâm lý, nhưng họ sẽ không làm điều đó thường xuyên vì như vậy quá nguy hiểm”.

Ông Robinson cũng cho rằng, “mạng lưới phòng không khổng lồ” của Nga sẽ nhắm mục tiêu vào các máy bay thiếu đặc tính tàng hình như tiêm kích thế hệ 4. Nếu bay vào không phận Nga, máy bay Ukraine không chỉ đối mặt với các hệ thống phòng không, mà còn phải đối đầu với cả không quân Nga.

Do đó, F-16 sẽ được sử dụng chủ yếu để phòng thủ. Chúng sẽ được sử dụng ở xa mặt trận, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng khỏi máy bay không người lái và tên lửa của Nga. F-16 có khả năng phòng thủ tốt và nổi tiếng với nhiệm vụ Noble Eagle bảo vệ không phận Mỹ và Canada sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

“F-16 sẽ không bay qua tiền tuyến và chúng cũng không thực sự cần làm điều đó” vì Ukraine có thể sử dụng các loại vũ khí khác để tấn công vào lãnh thổ Nga và bảo vệ tiền tuyến”, ông Cancian nhận định.

Ông Layton cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng chiến lược tốt nhất để sử dụng những chiếc F-16 đầu tiên mà Kiev nhận được là phòng thủ, ở trong lãnh thổ Ukraine với vai trò phòng không để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Nga.

Dù vậy, ông cho rằng Ukraine vẫn có thể dùng F-16 tấn công các mục tiêu ở Nga. Kiev có thể làm điều đó mà không cần phải đưa máy bay vào không phận đối phương. Theo ông, Ukraine có thể sẽ có được thông tin tình báo phù hợp để thực hiện một cuộc tấn công như vậy mà không phải chịu quá nhiều rủi ro.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Báo Thù: Bí mật đằng sau những âm mưu và tội ác chồng chất

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...