Nga đang tăng cường tấn công các vị trí của Ukraine bằng một loại bom lượn mới nặng 3 tấn – loại vũ khí có sức công phá lớn và rất khó đánh chặn. Việc đối phó loại vũ khí này có thể gây nhiều rủi ro đối với Ukraine.
“Sát thủ chiến trường” của Nga
Nga bắt đầu sử dụng siêu bom FAB-3000 M-54 trong chiến đấu từ tháng 6/2024. FAB-3000 M-54 là bom thông thường hay còn gọi là bom câm, có thể được chuyển đổi thành bom lượn khi được tích hợp bộ kit UMPC có hệ thống điều khiển tự động tìm kiếm mục tiêu, cánh gấp và bánh lái. Khi sử dụng bom lượn, máy bay ném bom chiến đấu Su-34 của Nga có thể thả chúng từ khoảng cách an toàn, bay ngoài tầm với của các hệ thống phòng không hiện đại trên mặt đất tại Ukraine.
Các chuyên gia về xung đột cho biết, Ukraine có rất ít phương tiện để đánh bại mối đe dọa này. Kiev có thể di chuyển các hệ thống phòng không tốt nhất của họ đến gần tiền tuyến, nhưng điều đó sẽ khiến chúng dễ bị tấn công. Ngoài ra, Ukraine cũng không thể sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các căn cứ của Nga – nơi bom lượn được sử dụng.
Bom lượn của Nga đã gây ra nhiều vấn đề cho Ukraine trong suốt cuộc chiến, đặc biệt trong thời gian gần đây, tốc độ tấn công đã tăng lên đáng kể, chủ yếu là xung quanh khu vực Đông Bắc Kharkov – vốn đang bị Nga bao vây.
Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ gia tăng việc sản xuất bom lượn FAB-3000. Loại bom lượn FAB-3000 mới lần đầu tiên được sử dụng trong tháng 6 và kể từ đó đã được sử dụng nhiều hơn trên chiến trường. Nhiều video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy quả bom có sức công phá khủng khiếp, có thể xóa sổ mọi thứ trong bán kính hoạt động của nó.
Các nhà phân tích xung đột tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh hồi tháng 6 vừa qua cảnh báo, việc Nga sử dụng bom lượn FAB-3000 mới là “một bước phát triển đáng kể”, sẽ gây ra sự tàn phá nghiêm trọng đối với các vị trí quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Bên cạnh đó, việc đánh chặn loại bom này không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Phát biểu với Business Insider, ông Justin Bronk, một chuyên gia về Nga và chiến tranh trên không tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng, Nga đã cải tiến bộ kit của bom lượn để nó có khả năng chống gây nhiễu GPS cao, khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn khi muốn can thiệp vũ khí này.
Sau khi được thả từ máy bay, bom lượn có thời gian bay ngắn, tạo ra các tín hiệu radar nhỏ và không di chuyển theo quỹ đạo đạn đạo. Những đặc điểm này khiến chúng khó rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Chưa kể, Ukraine không có nhiều tên lửa phòng không để bắn hạ loại bom này giữa không trung. Vì thế, lựa chọn duy nhất của Kiev là phải phát hiện máy bay đối phương trước vụ phóng. Họ phải tìm cách bắn hạ những chiếc Su-34 trên mặt đất hoặc trên không trước khi chúng thả bom.
Để đánh chặn máy bay trên không, Ukraine sẽ phải đưa các hệ thống tiên tiến nhất của nước này đến gần tiền tuyến. Hệ thống phòng không MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất được cho là hệ thống phù hợp nhất cho nhiệm vụ này. Nhưng Ukraine chỉ có một vài hệ thống, trong khi nguồn cung cấp tên lửa đánh chặn đang khan hiếm. Patriot là tài sản có giá trị và không dễ thay thế, vì thế việc đưa hệ thống này đến gần tiền tuyến hơn, trong phạm vi hỏa lực của Nga là một canh bạc lớn.
Chuyên gia George Barros thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định, Ukraine phải có khả năng phá hủy các loại pháo binh của Nga để bảo vệ tên lửa Patriot và triển khai hệ thống này trên tiền tuyến.
“Việc triển khai vũ khí tiên tiến như vậy đến gần tuyến đầu là công việc rất rủi ro”, ông George Barros nhấn mạnh.
Rào cản lớn đối với Ukraine
Để làm gián đoạn các phi vụ ném bom của đối phương, Ukraine cần cố gắng tấn công những căn cứ không quân nằm bên trong lãnh thổ Nga – nơi máy bay ném bom chiến đấu Su-34 mang bom FAB-3000 chuẩn bị cất cánh. Ukraine đã thực hiện công việc này ở một mức độ nhất định bằng cách sử dụng máy bay không người lái tầm xa tự chế. Tuy nhiên, Kiev đang gặp phải rào cản lớn do những hạn chế về việc sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các vị trí nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Các chuyên gia cho biết, Mỹ vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa đạn đạo ATACMS phóng từ Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS), tấn công các căn cứ không quân của Nga. Nếu được phép dùng ATACMS tấn công lãnh thổ Nga, Ukraine có thể mở rộng phạm vi đòn đánh và nhắm vào căn cứ không quân của đối phương nằm ngoài tầm với của rocket thông thường phóng từ pháo HIMARS.
“Việc tấn công căn cứ không quân Nga không thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ bom FAB-3000, nhưng có thể buộc Moscow phải thực hiện các phi vụ ném bom từ những nơi xa hơn. Điều này sẽ làm giảm tỷ lệ tấn công hiệu quả của họ”, ông Bronk lưu ý.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Biden dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa như ATACMS với lý do đây là điều cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa từ bom lượn. Khi bom FAB-3000 trở nên phổ biến trên chiến trường, lời kêu gọi của ông Zelensky có thể trở nên khẩn thiết hơn.
“Khi không quân Nga phóng hơn 100 quả bom dẫn đường vào các thành phố, làng mạc và các vị trí tiền tuyến của chúng ta mỗi ngày, chúng ta cần có sự bảo vệ tin cậy chống lại chúng”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky lưu ý, Ukraine cần có khả năng phá hủy các phương tiện mang những quả bom này, đặc biệt là máy bay quân sự Nga, dù cho chúng ở đâu.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...