Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pháp Mcron cho rằng hiện nay vẫn chưa đến lúc cho đàm phán với hòa bình với Nga liên quan đến xung đột Ukraine.
Tổng thống Pháp Macron ngày 6/6 đã phát biểu về chính sách của Pháp đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas hay thách thức nhân kỷ niệm 80 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào các vùng biển Normandy.
Phát biểu trên các kênh truyền hình TF1 và France 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, việc Pháp dành 3 ngày tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm D-Day - ngày quân đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandy, sự kiện mở đường cho giải phóng nước Pháp và châu Âu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chiến tranh đang trở lại châu Âu.
Người đứng đầu nước Pháp cáo buộc Nga đi ngược lại tinh thần Ngày D-Day và biện minh Pháp và các đồng minh sẽ duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine vì an ninh của châu Âu.
Nhân dịp này, Tổng thống Pháp đã công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine với việc chuyển giao các máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 do Pháp sản xuất đi kèm chương trình đào tạo phi công Ukraine kéo dài khoảng 6 tháng bắt đầu từ mùa hè 2024. Ngoài ra, sẽ có thêm 4.500 binh sĩ Ukraine được huấn luyện tại Pháp trong thời gian tới. Nhà lãnh đạo Pháp không loại trừ khả năng gửi chuyên gia huấn luyện quân sự đến Ukraine nhưng quyết định này chỉ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận tập thể.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh không muốn xung đột tại Ukraine leo thang, không muốn chiến tranh với Nga nhưng cũng cho rằng chưa đến thời điểm để đàm phán hòa bình.
“Hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán và sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Thời điểm đó hiện vẫn chưa tới bởi Ukraine vẫn đang kháng cự. Đàm phán chỉ diễn ra khi Ukraine cho rằng các điều kiện đã hội đủ”.
Về cuộc xung đột Israel-Hamas, Tổng thống Pháp kêu gọi hai bên chấp nhận lệnh ngừng bắn do Mỹ đề xuất. Theo đó, Israel sẽ rút khỏi các trung tâm dân cư ở Gaza và Hamas sẽ thả các con tin trong 6 tuần đầu tiên, và lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục gia hạn trong các giai đoạn tiếp theo.
Pháp duy trì sự ủng hộ đối với giải pháp 2 nhà nước cùng tồn tại nhưng sẽ chỉ thừa nhận Nhà nước Palestine nếu điều này góp phần vào hòa bình và an ninh trong khu vực.
Đối với châu Âu, Tổng thống Pháp cảnh báo sự trỗi dậy mạnh mẽ của làn sóng cực hữu tại Pháp và châu Âu tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu khoá mới.
“Nếu các lực lượng cực hữu có thể hình thành một nhóm thiểu số đối lập tại châu Âu, chúng ta sẽ không có chương trình vắc-xin chung, kế hoạch phục hồi kinh tế sẽ bị cản trở và cũng sẽ không thể có chính sách bảo vệ trước vấn đề nhập cư bất hợp pháp bởi lực lượng cực hữu tin rằng đây là vấn đề của từng quốc gia chứ không phải của chung châu Âu”.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...