Hội nghị quốc tế về sự nóng lên của Trái Đất đã khai mạc sáng 8/7 tại thành phố Sapporo, cực Bắc Nhật Bản.
Là quốc gia chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai như động đất, sóng thần, mưa lũ… Nhật Bản luôn quan tâm đặc biệt đến các vấn đề về môi trường, nhất là sự nóng lên nghiêm trọng của Trái Đất. Trong nỗ lực ngăn chặn hiện tượng đầy nguy cơ này, một hội nghị quốc tế về sự nóng lên của Trái Đất đã khai mạc sáng 8/7 tại thành phố Sapporo, cực Bắc Nhật Bản.
Hội nghị này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 và được biết đến với tên gọi: “Hội nghị quốc tế về dự án tuần hoàn năng lượng và nước toàn cầu”. Đây là lần thứ 9 hội nghị được tổ chức và là lần đầu tiên Nhật Bản giữ vai trò là nước chủ nhà.
Tại hội nghị năm nay, hơn 1.000 nhà nghiên cứu và nhà quản lý đến 48 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ trao đổi thông tin, công bố hàng loạt các kết quả nghiên cứu về sự nóng lên của Trái Đất, biến đổi khí hậu cùng các biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ ảnh hưởng, thiệt hại do các hiện tượng này gây ra.
Trong đó, kết quả nghiên cứu của Giáo sư Wanabe Shikiro – người đoạt giả Nobel vật lý năm 2021 thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người tham dự hội nghị.
Theo các nhà nghiên cứu, các vấn đề liên quan tới khí gây hiệu ứng nhà kính cùng những tác động của nó đối với khí hậu toàn cầu được Giáo sư Wanabe đưa ra trong nghiên cứu của ông sẽ trở thành nền tảng cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và mở ra một bình diện mới cho các nghiên cứu tới đây.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư Yamada Tomohito – thành viên của Ban tổ chức cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên, liên tục trên quy mô toàn cầu, việc công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu như thế này là vô vùng có ý nghĩa. Nó sẽ đưa chúng ta tới những thành tựu mới trong phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai”.
Hội nghị quốc tế về dự án tuần hoàn năng lượng và nước toàn cầu lần thứ 9 sẽ diễn ra trong 5 ngày và bế mạc vào ngày 12/7.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...