Trước chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tới Mỹ tuần này, đã có những suy đoán về việc các lựu pháo tự hành T-155 Firtina có thể sẽ được cung cấp cho Ukraine.
Lựu pháo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm đến tay Ukraine?
Một số bài báo cho biết, Mỹ đang cân nhắc mua 12 lựu pháo tự hành T-155 và đạn pháo cỡ nòng 155mm từ Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển cho Ukraine. Những bài báo đầu tiên đã xuất hiện trên mạng xã hội vào cuối tháng trước và một lần nữa xuất hiện trở lại trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Erdogan.
Đầu năm nay, Mỹ được cho là đã mua lô đạn pháo cỡ nòng 155mm từ công ty Arca Defense của Thổ Nhĩ Kỳ.
2 tháng sau, Mỹ đã thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy quy trình cung cấp trinitrotoluene (TNT) and nitroguanidine, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất đạn pháo cỡ nóng 155mm theo tiêu chuẩn NATO.
Ukraine được cho là đã trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuyển giao T-155 Firtina trong gần 1 năm qua. Chuẩn tướng Ukraine Oleksiy Hromo thông báo hồi tháng 7/2023 rằng nước này dự kiến sẽ nhận được các hệ thống pháo Firtina của Thổ Nhĩ Kỳ và lựu pháo tự hành Archer của Thụy Điển.
Trong khi các lựu pháo Archer đã được cung cấp cho Kiev, thì việc chuyển giao lựu pháo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được ghi nhận. Hiện nay, giữa bối cảnh chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang đến gần, nhiều ý kiến cho rằng Ankara có thể đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Ukraine sau khi Kiev nhận được gói hỗ trợ mới quan trọng từ Washington.
Việc chuyển giao T-155 cho Ukraine sẽ cung cấp cho nước này hỏa lực mạnh mẽ. Lựu pháo Thổ Nhĩ Kỳ được cho là dựa trên lựu pháo K-9 Thunder của Hàn Quốc. Đây là lựu pháo rất phổ biến trên thế giới bởi những đặc điểm tiên tiến và khả năng tương thích với các hệ thống pháo theo tiêu chuẩn NATO.
K-9 đã trở thành lựu pháo được ưa chuộng ở châu Âu. Ba Lan đã ký một thỏa thuận khung vào tháng 7/2022 để mua 672 lựu pháo K-9 với 2 phiên bản khác nhau.
Sau đó, vào tháng 12/2023, Reuters ghi nhận Ba Lan đã ký một thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD để mua hơn 150 lựu pháo tự hành của Hàn Quốc. Trong một diễn biến gần đây hơn, Ba Lan sẽ nhận thêm 6 lựu pháo tự hành K-9 vào năm 2025 và 146 lựu pháo tự hành phiên bản K9PL vào năm 2026 - 2027.
Hệ thống này cũng được một số nước châu Âu mua như Phần Lan, Estonia và Na Uy, ngoài ra còn có Australia, Ai Cập và Ấn Độ. Với hơn 2.000 lựu pháo đang hoạt động trên thế giới, lựu pháo tự hành K-9 Thunder đã trở thành lựu pháo bán chạy nhất trên thế giới.
Việc nhận được lựu pháo T-155 từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường năng lực cho Ukraine khi Nga tiến công mạnh mẽ và liên tục thách thức các hệ thống phòng thủ của Kiev.
Sức mạnh của của lựu pháo T-155
Mặc dù không phải là bản sao được cấp phép nhưng hệ thống pháo tự hành T155 Firtina cỡ nòng 155 mm được mô phỏng theo K-9 Thunder của Hàn Quốc. Hệ thống này là một biến thể K9 nâng cấp, bao gồm tháp pháo được chế tạo trong nước cùng một loạt hệ thống điện tử.
T-155 có một số tính năng của K-9, bao gồm pháo CN98 nòng 155 mm và khung gầm, được chuyển giao công nghệ từ Cơ quan Phát triển Quốc phòng ADD - cơ quan nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng của chính phủ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tháp pháo là thiết kế nguyên bản của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp tăng sức chứa băng đạn từ 24 lên 30, đồng thời giảm kho đạn ở phần thân từ 24 xuống 18.
Trong khi ống ngắm toàn cảnh, dùng để bắn thủ công, đã bị loại bỏ thì bộ nguồn phụ (APU) đã được thêm vào. Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển các thành phần khung gầm, INS (hệ thống dẫn đường quán tính) và các hệ thống điện, bao gồm radio và FCS (hệ thống điều khiển hỏa lực). Công ty đứng sau công nghệ dẫn đường quán tính là ASELSAN.
Pháo 155 mm của hệ thống pháo tự hành T155 Firtina do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có thể bắn đạn MOD 274 HE với tầm bắn tối đa 40 km.
Hệ thống có thể bắn 6 viên đạn mỗi phút, với tùy chọn bắn 3 phát trong 15 giây. Pháo tự hành mang 48 viên đạn và các bài cáo chỉ ra rằng nó có thể đạt tốc độ tối đa 65 km/giờ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã mua giấy phép sản xuất hệ thống này từ Hàn Quốc vào năm 2021. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 300 (hoặc nhiều hơn) pháo tự hành T155 Firtina. Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng hệ thống này trong chiến đấu và tiếp tục triển khai một số phương tiện này dọc biên giới với Syria.
Những khẩu pháo trên ban đầu được sử dụng để chiến đấu với lực lượng người Kurd PKK ở miền Bắc Iraq như một phần của Chiến dịch Mặt trời vào cuối năm 2007. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong Chiến dịch Lá chắn Euphrates năm 2016 và Chiến dịch Cành Ô liu năm 2018.
Theo các nguồn tin trao đổi với hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy 3 tòa nhà chỉ huy của PKK, một boongke và một địa điểm được lực lượng người Kurd sử dụng vào năm 2021 bằng lựu pháo Firtina.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...