Sau 2 ngày đàm phán giữa Israel-Hamas, thỏa thuận ngừng bắn chưa có thêm tiến triển, cả Israel và Hamas tiếp tục đổ lỗi cho nhau là bên cản trở việc tiến tới thỏa thuận.
Đúng như lo ngại của giới phân tích, tiến trình đàm phán tại Cairo (Ai Cập) giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn chưa đạt được đột phá cần thiết để tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin mới. Sau 2 ngày đàm phán, cả Israel và Hamas tiếp tục đổ lỗi cho nhau là bên cản trở việc tiến tới thỏa thuận.
Theo kênh số 12 của Israel, tại cuộc gặp Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đang ở thăm Israel hôm 8/5, lãnh đạo chính phủ và quân đội Israel tiếp tục cáo buộc Hamas đưa ra những đề xuất vượt lằn ranh đỏ và không thể chấp nhận được, khiến cho việc tiến tới thỏa thuận gặp khó khăn.
Về phần mình, một quan chức cấp cao Hamas khẳng định với một số nguồn tin Arabia rằng, việc tiến tới thỏa thuận đã rất gần, nếu không vấp phải sự cản trở từ phía Israel.
Các cáo buộc trên của Israel và Hamas được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Cairo, Ai Cập dưới sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar, tiếp tục giậm chân tại chỗ và chưa có thêm tiến triển đột phá để tiến tới thỏa thuận. Theo một số nguồn tin khu vực, một trong những bất đồng lớn nhất giữa Israel và Hamas là về số lượng và thời gian trao trả con tin.
Cụ thể, về số lượng con tin, Israel yêu cầu Hamas trao trả 33 con tin còn sống gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già. Trong khi đó, nhóm vũ trang Palestine đề nghị số 33 con tin này gồm cả còn sống và đã chết. Về thời gian trao trả con tin, Hamas đề xuất mỗi tuần trả tự do cho 3 con tin, trong khi yêu cầu của Israel là mỗi ngày trả tự do cho 1 con tin.
Vòng đàm phán Cairo được khởi động trở lại ngày 7/5, đúng vào ngày quân đội Israel tấn công vào phía Đông thành phố Rafah và kiểm soát cửa khẩu Rafah nối giữa dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Theo một số nhà phân tích A rập, cuộc tấn công của Israel vào Rafah là nhằm gây sức ép với Hamas cùng các nhà trung gian quốc tế trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, bước đi này đã vấp phải sự phản đối và lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thế giới Arabia và Hồi giáo.
Các quốc gia khu vực khẳng định cuộc tấn công là bước leo thang nguy hiểm, kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức can thiệp nhằm ngăn chặn hành vi này.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...