Sau khi rời Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ngày 21/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Mông Cổ, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến quốc gia châu Á này. Vì sao Pháp quan tâm đặc biệt tới mối quan hệ với Mông Cổ trong giai đoạn hiện nay?
Thúc đẩy các tiềm năng hợp tác quan trọng
Quan hệ hợp tác về mặt kinh tế giữa Pháp và Mông Cổ cho đến nay hết sức khiêm tốn, mặc dù hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 58 năm. Các số liệu từ Bộ Ngoại giao Pháp cho thấy, hiện chỉ có khoảng trên 100 công dân và khoảng 20 công ty Pháp đang hoạt động tại Mông Cổ và kim ngạch thương mại hai bên mỗi năm chỉ tầm 30 triệu euro. Tất nhiên đây cũng là điều dễ hiểu bởi mặc dù có diện tích rất lớn nhưng Mông Cổ có dân số ít, tầm 3,5 triệu dân, quy mô nền kinh tế nhỏ và do vị trí địa lý đặc biệt, chủ yếu là đồng cỏ và sa mạc, lại nằm kẹp giữa hai cường quốc Nga và Trung Quốc nên các quan hệ kinh tế của Mông Cổ chủ yếu là với hai cường quốc này.
Nước Pháp và châu Âu cách quá xa về mặt địa lý, và cũng có ít các mối quan tâm chung với Mông Cổ. Tuy nhiên, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Mông Cổ là tín hiệu rõ nhất cho thấy Pháp đang ngày càng có những lợi ích kinh tế đáng chú ý tại Mông Cổ.
Dự án quan trọng nhất được nhắc đến trong chuyến đi Mông Cổ của ông Emmanuel Macron lần này là dự án hợp tác khai thác hai mỏ uranium tại sa mạc Gobi của Mông Cổ giữa tập đoàn Orano của Pháp với các đối tác Mông Cổ. Một trong những mục tiêu của ông Macron là thúc đẩy việc sớm triển khai các dự án này.
Trong chiến lược phát triển công bố cuối năm 2021, chính quyền của ông Emmanuel Macron coi năng lượng hạt nhân là một trong những trụ cột được ưu tiên cao nhất trong nhiều năm tới, với tham vọng xây thêm hàng chục nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới tại Pháp cũng như tạo lập vị thế cường quốc xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự của Pháp tại châu Âu và trên thế giới. Để theo đuổi tham vọng đó, Pháp cần phải tìm kiếm các nguồn cung uranium đa dạng và ổn định, trong bối cảnh quan hệ năng lượng giữa Pháp nói riêng và phương Tây nói chung với Nga đã đổ vỡ do xung đột tại Ukraine.
Về mặt tài nguyên, đặc biệt là các loại khoáng sản quý hiếm, Mông Cổ cũng như nhiều quốc gia ở Trung Á có tiềm năng cao do diện tích rộng lớn và chưa được khai thác nhiều, nên Pháp và châu Âu đang gia tăng sự chú ý đến các quốc gia này khi triển khai chiến lược mới đa dạng hoá nguồn cung các nguyên liệu đầu vào quý hiếm. Ngoài hợp tác khai thác uranium, hai nước Pháp-Mông Cổ cũng có thể sẽ triển khai thêm các hợp tác khác trong lĩnh vực môi trường, khi nhiều công ty Pháp muốn chen chân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu tại Mông Cổ.
Pháp kỳ vọng gì vào mối quan hệ với Mông Cổ?
Nhiều cố vấn trong chính quyền của ông Macron cũng có những nhận định công khai rằng, đây là chuyến thăm có ý nghĩa lớn về mặt địa chiến lược. Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm đảo lộn và làm thay đổi nhiều nhận thức của các nước phương Tây, trong đó có Pháp, về quan hệ quốc tế và một trong những thay đổi lớn nhất, đó là các nước phương Tây đã nhận ra rằng, đa số các quốc gia trong thế giới đang phát triển, mà các quan chức phương Tây gọi là “Global South”, không ủng hộ họ trong cuộc đối đầu với Nga. Các nước này có thể lên án hành động của Nga tại Ukraine nhưng không đi theo phương Tây trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm vào Nga.
Nguyên nhân là vì rất nhiều nước đang phát triển cho rằng phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép cũng như không còn tin tưởng vào các cam kết của phương Tây sau quá nhiều các hành động đơn phương thô bạo của phương Tây trong quá khứ làm tổn hại sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Nhận thức này được nhiều lãnh đạo phương Tây công khai thừa nhận tại Hội nghị an ninh Munich tháng 02/2023 cũng như mới nhất là tại Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Do đó, các nước phương Tây, trong đó có Pháp, hiểu rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận với các nước đang phát triển, tái cam kết với các quốc gia này bằng những mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn, công bằng hơn, thay vì việc áp đặt ý muốn của phương Tây.
Việc Tổng thống Pháp thăm Mông Cổ, hay như vài tuần trước Thủ tướng Đức thăm châu Phi… nằm trong tổng thể chiến lược tái nhận thức của phương Tây nhằm thu hút sự ủng hộ rộng lớn hơn của các nước đang phát triển trên thế giới, trước mắt là để xử lý xung đột tại Ukraine, và lâu dài hơn là để củng cố tầm ảnh hưởng đang suy giảm của phương Tây trước sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn của các đối thủ địa chính trị lớn.
Có thể nhận thấy điều này rõ hơn qua các ý định xâm nhập ngày càng rõ ràng của Mỹ và châu Âu vào khu vực Trung Á, vốn là địa bàn ảnh hưởng truyền thống của Nga và Trung Quốc. Mông Cổ là một bước đi tương tự, khi Pháp và phương Tây đang đẩy mạnh cuộc đua tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc.
Mối quan hệ Pháp-Trung Quốc có bị tác động?
Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một cột mốc lịch sử có thể thúc đẩy quan hệ song phương hai nước đa dạng hơn. Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng ngoại giao của Pháp. Trong quá khứ, nước Pháp thường có truyền thống theo đuổi các chính sách ngoại giao tương đối táo bạo và độc lập so với các đồng minh phương Tây khác.
Nhiều Tổng thống Pháp luôn là nguyên thủ phương Tây đầu tiên đến thăm các quốc gia mà phương Tây vốn ít quan tâm hay thậm chí có mối quan hệ không thân thiện, tuy nhiên, sau đó thì Pháp cũng ít khi tạo dựng và duy trì được vị thế tiên phong của mình. Về tổng quan, chuyến đi đến Mông Cổ cũng có thể coi là một phần trong chiến lược của Tổng thống Macron muốn biến Pháp thành một “cường quốc hoà giải”, tức là một cường quốc ngoại giao có khả năng đứng giữa kết nối các bên, một cường quốc có thể đưa ra các sáng kiến “thứ ba” nằm ngoài quỹ đạo của Mỹ hay Trung Quốc.
Một số quan chức trong chính quyền Pháp cũng thể hiện ý này, khi cho rằng chuyến đi của ông Macron đến Mông Cổ có thể giúp Mông Cổ có thêm một lựa chọn khác ngoài mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Vì thế, nhìn ở góc độ này thì Pháp đúng là đang muốn cạnh tranh với Trung Quốc tại chính quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Nhưng, tham vọng đó có thành công hay không là một dấu hỏi lớn, không chỉ vì Mông Cổ có quan hệ vô cùng mật thiết về kinh tế-văn hoá-chính trị với Trung Quốc mà còn vì tiềm lực của Pháp cũng hạn chế, khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Tác động của mối quan hệ Pháp-Mông Cổ đến quan hệ giữa Pháp-Trung Quốc ra sao cũng cần phải có thời gian để kiểm chứng. Hiện nay, so với đa số các nước phương Tây khác, Pháp có mối quan hệ tương đối tích cực và ổn định với Trung Quốc. Chuyến công du Trung Quốc đầu tháng 4/2023 của Tổng thống Macron cho thấy Pháp muốn theo đuổi một cách tiếp cận cân bằng và ôn hoà hơn với Trung Quốc, chứ không đi theo đường lối đối đầu, thù địch như Mỹ hay Anh.
Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, Pháp có thể được xem là một nhân tố có ích đối với Trung Quốc trong quan hệ với phương Tây nên mặc dù chuyến đi của ông Macron đến Mông Cổ có thể khiến Trung Quốc cảnh giác hơn nhưng quan hệ Pháp-Trung về cơ bản sẽ khó có thể bị tổn hại lớn vì chuyến đi này. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc Pháp có đủ thực lực để xâm nhập vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga và Trung Quốc hay không? Đây là điều mà đa số đều rất hoài nghi./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...