Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã lên tiếng phản đối tuyên bố của chính quyền quân sự Niger nói rằng sẽ đưa nước này trở lại chế độ dân sự trong vòng ba năm. Đồng thời mô tả thời gian chuyển giao chậm chạp là một hành động “khiêu khích”.
Ủy viên chính trị và an ninh của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) Abdel-Fatau Musah nói với AP trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/8: “Cánh cửa ngoại giao với chính quyền Niger vẫn mở nhưng khối sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán kéo dài mà không có kết quả”.
Các lãnh đạo ECOWAS đều tin rằng cuộc đảo chính ở Niger là một “giọt nước tràn ly”, và nếu họ không phản ứng thì vô hình trung sẽ tạo ra hiệu ứng domino trong khu vực, ông Musah cho biết. Mặc dù các cuộc đàm phán trực tiếp và đàm phán thông qua trung gian đang diễn ra, cánh cửa ngoại giao cho chính quyền quân sự Niger không thể mở mãi mãi.
“Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc mặc cả kéo dài và tốn thời gian. Chúng tôi đã đi theo con đường đó ở Mali, ở Burkina Faso và những nơi khác, và chúng tôi chẳng đi đến đâu cả”, ông Musah nhấn mạnh.
Bình luận của ông Musah được đưa ra vài ngày sau khi phái đoàn ECOWAS gặp người đứng đầu chế độ quân sự Niger, Tướng Abdourahmane Tchiani, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Theo đó, chính quyền quân sự đã quản thúc tổng thống Bazoum cùng vợ và con trai tại dinh thự ở thủ đô Niamey của Niger. ECOWAS đã yêu cầu trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự hiến pháp.
ECOWAS đã áp đặt nhiều biện pháp cấm vận kinh tế nhằm vào Niger, bao gồm cắt đứt giao dịch tài chính và nguồn cung cấp điện, đồng thời đóng biên giới và ngăn cản quá trình nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu cho Niger – một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đồng thời đe dọa can thiệp quân sự để khôi phục chính quyền dân sự bị lật đổ ở Niger.
Niger có ý nghĩa chiến lược vì là nơi quân đội Mỹ và Pháp đặt căn cứ để tiến hành các hoạt động chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực, đồng thời Niger cũng là một trong những nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi – Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước này đã tuyên bố sẽ trợ giúp nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...