Tháng 12/1979, Liên Xô quyết định đưa quân tới Afghanistan. Đây được xem là một trong những quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử Liên Xô và cuộc chiến này đáng lẽ không nên diễn ra.
Kỳ 1: Quyết định sai lầm
Ngày 15/2/1989, Trung tướng Boris Gromov là người cuối cùng vượt qua cây cầu bắc qua sông Amu Darya giữa Afghanistan và Uzbekistan (khi đó là một phần của Liên Xô). Khi qua sông, ông đã thốt lên rằng: “Không một người lính Liên Xô nào bị bỏ lại phía sau tôi”.
Điều đó đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến kéo dài 9 năm của Liên Xô ở Afghanistan. Cuộc xung đột này thường được coi là một phần của Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không thể đánh giá đúng về sự can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan nếu không hiểu rõ tình hình chính trị ở quốc gia Nam Á này vào thời điểm đó.
Bối cảnh trước khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan
Tình hình chính trị ở Afghanistan vào những năm 1970 rất rối ren. Năm 1973, chế độ quân chủ sụp đổ sau một cuộc đảo chính và được thay thế bằng nền cộng hòa tồn tại trong thời gian ngắn.
Liên Xô ban đầu có quan hệ thân thiện với giới lãnh đạo quốc gia Nam Á này, nhưng sau đó Moscow đã can thiệp vào hoạt động chính trị của họ. Hai phe chính trị tranh giành quyền lực ở Afghanistan là các đảng cánh tả được Liên Xô ủng hộ và những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo.
Năm 1978, Tổng thống Afghanistan Mohammad Daoud Khan bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) - một đảng chính trị theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tiến hành.
Về mặt chính thức, Liên Xô ủng hộ cuộc cách mạng, nhưng trên thực tế, Moscow có nhiều cảm nhận đan xen về tình hình ở Afghanistan. Ngay cả Tổng bí thư Leonid Brezhnev cũng bị bất ngờ trước cuộc đảo chính. Hơn nữa, PDPA đã bị chia rẽ thành nhiều phe phái đấu tranh chống lại nhau.
Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất và cổ xưa nhất trên thế giới. Các nhà lãnh đạo của PDPA rất nhiệt tình thực hiện cải cách và thay đổi tình trạng này. Tuy nhiên, ngay cả những cải cách hợp lý nhất cũng được thực hiện theo cách quyết liệt và không khoan nhượng, bất cứ ai không đồng tình với họ đều bị bắt giam. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bất mãn với PDPA.
Kết quả là đến năm 1979, một cuộc nội chiến đã nổ ra. Chính phủ Afghanistan đề nghị Liên Xô cung cấp một đội quân nhỏ để giúp duy trì an ninh ở thủ đô Kabul. Đơn vị lực lượng đặc nhiệm “Zenit” của KGB và một tiểu đoàn lính dù đã được gửi tới Afghanistan. Nhưng tình hình vẫn tiếp tục leo thang. Lãnh đạo đảng PDPA, Nur Muhammad Taraki, và người bạn thân tín Hafizullah Amin đã xảy ra xung đột và kết thúc bằng một cuộc đảo chính khác. Amin lật đổ Taraki, tuyên bố mình là người đứng đầu Afghanistan và Chủ tịch PDPA.
Moscow phản ứng tiêu cực trước bước đi của Amin. Taraki là bạn thân của Tổng bí thư Brezhnev. Hơn nữa, Amin không muốn “bỏ hết trứng vào một giỏ” và bắt đầu đàm phán với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Liên Xô coi đây là sự phản bội. Theo logic của Chiến tranh Lạnh, nếu Afghanistan gia nhập phe đồng minh của Mỹ, điều đó sẽ gây ra mối đe dọa cho Liên Xô. Hơn nữa, Amin đã cố tình đưa ra những nhận xét không thân thiện về các đối tác Liên Xô.
Sa lầy
Tháng 12/1979, Moscow đã đưa ra một trong những quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử Liên Xô: quyết định đưa quân vào Afghanistan và loại bỏ Amin. Liên Xô đã tiến hành cuộc can thiệp quân sự thành công mà không vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ.
Những khó khăn trong chiến dịch ở Afghanistan đã bị hạ thấp. Người ta cho rằng quân đội Liên Xô sẽ giúp lật đổ chính phủ Amin và thay thế bằng một chính phủ mới đáng tin cậy và thân thiện hơn, sau đó sẽ giúp quân đội Afghanistan ổn định tình hình trong nước.
Ngày 27/12/1979, một chiến dịch quân sự táo bạo đã được thực hiện ở Kabul. Các đơn vị lực lượng đặc nhiệm KGB, một biệt đội lính dù và một tiểu đoàn lực lượng đặc biệt của quân đội Liên Xô đã đột nhập vào nơi ở của Tổng thống Amin, vô hiệu hóa các vệ sĩ có vũ trang và tiêu diệt ông này.
Cùng lúc đó, Kabul bị chiếm giữ. Vào thời điểm đó, người Afghanistan không quá quan tâm đến những gì đang xảy ra. Đối với họ, đó chỉ là một cuộc đảo chính khác.
Babrak Karmal, một nhà hoạt động cánh tả, được bổ nhiệm làm Tổng bí thư của PDPA và trở thành lãnh đạo Afghanistan. Dưới thời Amin, Babrak Karmal phải sống lưu vong ở nước ngoài.
Quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan, giành quyền kiểm soát các cơ sở quan trọng và đóng quân tại nước này mà không vấp phải sự kháng cự quá lớn.
Nhóm quân tiến vào Afghanistan được thành lập từ Quân đoàn 40 của Liên Xô. Lực lượng bổ sung bao gồm các đơn vị đặc nhiệm GRU, lực lượng đặc nhiệm KGB, các đơn vị bảo vệ biên giới… Đội hình này được biết đến với tên gọi: “Lực lượng giới hạn của quân đội Liên Xô tại Afghanistan” (LCSA).
Lãnh đạo mới của Afghanistan, Babrak Karmal, hiểu rằng những rắc rối của đất nước sẽ không kết thúc khi quân đội Liên Xô hiện diện tại quốc gia Nam Á này - trái lại, nó báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc xung đột lớn.
Với tư cách là Tổng thống, Karmal đã trả tự do cho các tù nhân chính trị, tổng cộng hơn 15.000 người, thực hiện các biện pháp xã hội, hỗ trợ nông dân... Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Afghanistan vẫn tiếp diễn và rẽ sang một hướng mới, trở thành một cuộc chiến tranh dân tộc và tôn giáo chống lại lực lượng nước ngoài.
Tuy nhiên, Liên Xô không chỉ tiến vào Afghanistan với vũ khí. Ngoài quân nhân, nhiều chuyên gia kỹ thuật và những người có nhiệm vụ hỗ trợ quản lý địa phương đã được cử tới đây.
Nhưng người Liên Xô không hiểu văn hóa địa phương. Ví dụ, Mikhail Anisimov được bổ nhiệm làm cố vấn chính quyền tỉnh Baghlan. Anisimov là một quân nhân nhưng ông phải giải quyết các vấn đề dân sự.
Ở tỉnh Baghlan mà ông phụ trách, hầu như không có cơ sở hạ tầng dân dụng và có vấn đề về cung cấp nước sạch. Ông không biết tiếng địa phương và đây là vấn đề mà sự nhiệt huyết và nỗ lực cũng không thể bù đắp được. Anisimov là người theo chủ nghĩa vô thần, nhưng ở Afghanistan, những người có thẩm quyền nhất lại là giáo sĩ Hồi giáo.
Tóm lại, ngay cả ở mức độ cơ bản cũng có rất nhiều mâu thuẫn giữa người Liên Xô và người Afghanistan.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...