Theo hãng AP, ngày 4/7 cử tri Anh bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Hạ viện mới nhiệm kỳ 5 năm.
Theo các cuộc thăm dò dư luận kể từ năm 2021, đảng Bảo thủ trung hữu cầm quyền của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang mất dần sự ủng hộ của cử tri. Công đảng Anh theo đường lối trung tả đang có nhiều cơ hội trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh năm nay.
Sáu đảng chính, gồm Bảo thủ, Công đảng, Dân chủ tự do, Xanh, Cải cách Vương quốc Anh, Dân tộc Scotland (SNP), và các đảng khác sẽ cạnh tranh tại 650 khu vực bầu cử trên toàn Vương quốc Anh (mỗi khu vực có một nghị sỹ đại diện).
Trong thời gian qua, nước Anh đã trải qua giai đoạn kinh tế trì trệ, dịch vụ công suy giảm và một loạt vụ bê bối trong suốt 5 năm qua. Đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn để giải quyết các thách thức lớn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nước Anh trước ngày bầu cử
Người dân trên khắp Vương quốc Anh sẽ đi bầu 650 nghị sĩ Quốc hội, sau khi Vua Charles đệ tam giải tán Quốc hội Anh cách đây 6 tuần theo yêu cầu của Thủ tướng Sunak. Không có bầu cử sơ bộ hay vòng hai, chỉ có một vòng bỏ phiếu duy nhất vào ngày 4/7.
Nước Anh sử dụng hệ thống bầu cử theo quy tắc "người về đầu sẽ trúng cử" (First Past the Post), có nghĩa là ứng cử viên đứng đầu ở mỗi khu vực bầu cử sẽ đắc cử, ngay cả khi họ không nhận được 50% số phiếu bầu.
Diễn biến này cho thấy sự thống trị của hai đảng lớn nhất là Đảng Bảo thủ và Công đảng, vì các đảng nhỏ hơn khó giành được ghế trừ khi họ có được sự ủng hộ tập trung ở các khu vực cụ thể.
Các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu đều cũng cho thấy Công đảng Anh đang vượt lên và bỏ xa đảng Bảo thủ. Công đảng đã thất cử liên tiếp trong 4 kỳ bầu cử trước đây, trong suốt 14 năm qua ở vị thế đảng đối lập. Hiện nhiều cử tri Anh cho rằng Công đảng là lựa chọn tốt hơn để điều hành đất nước - khác với những gì đã diễn ra trong 14 năm qua.
Đảng chiếm đa số trong Hạ viện với số phiếu áp đảo hoặc cần sự hỗ trợ của một đảng khác, sẽ thành lập chính phủ tiếp theo và lãnh đạo của đảng này sẽ là thủ tướng.
Ông Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, người giữ chức thủ tướng Anh từ tháng 10/2022 đến nay, sẽ đại diện đảng Bảo thủ tham gia cuộc bầu cử năm nay. Đối thủ chính của ông Sunak là Keir Starmer, cựu giám đốc cơ quan công tố ở Anh và lãnh đạo Công đảng kể từ tháng 4/2020.
Với các đảng khác, một số đảng có sự ủng hộ mạnh mẽ trong khu vực, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ liên minh nếu không ai giành được đa số phiếu.
Đảng Bảo thủ đối mặt áp lực lớn
Đảng Bảo thủ Anh liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi nắm quyền vào năm 2010. Đầu tiên là hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nợ công của Anh tăng cao và Đảng Bảo thủ phải trải qua nhiều năm" thắt lưng buộc bụng" để cân bằng ngân sách. Sau đó, là sự kiện Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và những hệ lụy khó lường, kết hợp với khủng hoảng với dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng như diễn biến lạm phát tăng vọt bởi căng thẳng leo thang ở Ukraine.
Dù bất kể hoàn cảnh nào, nhiều cử tri cũng phàn nàn về hàng loạt vấn đề mà nước Anh đang phải đối mặt, từ sự cố tràn nước thải và dịch vụ xe lửa không đáng tin cậy đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tội phạm và dòng người di cư qua eo biển Anh trên những chiếc thuyền bơm hơi.
Sau 14 năm cầm quyền với 5 đời thủ tướng và trải qua nhiều bất ổn chính trị, kinh tế-xã hội, đảng Bảo thủ đang đối mặt với nguy cơ thất bại lịch sử khi uy tín sụt giảm nghiêm trọng với hàng loạt bê bối từ vụ Partygate dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, tới kế hoạch ngân sách nhỏ (mini budget) dưới thời bà Liz Truss gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, hủy hoại danh tiếng của Anh cũng như uy tín của đảng Bảo thủ về khả năng điều hành kinh tế.
Những vấn đề quan tâm nhất
Về kinh tế, nước Anh đang phải vật lộn với lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm, hai yếu tố này kết hợp lại khiến hầu hết người dân cảm thấy nghèo hơn. Đảng Bảo thủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, tỷ lệ này đã giảm xuống 2% trong năm tính đến tháng 5 năm 2024 sau khi đạt đỉnh 11,1% vào tháng 10/2022, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm chạp. Điều này đặt ra câu hỏi về các chính sách kinh tế hiện tại của chính phủ đương nhiệm.
Về chăm sóc sức khỏe, Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân, hiện phải đối mặt với danh sách chờ dài, từ chăm sóc nha khoa đến điều trị ung thư. Báo chí tràn ngập những câu chuyện về những bệnh nhân nặng phải chờ hàng giờ mới được xe cấp cứu đến hỗ trợ hay thời gian chờ lâu hơn nữa đối với những bệnh nhân cần giường bệnh.
Về vấn đề nhập cư, hàng nghìn người xin tị nạn và người di cư đã vượt qua eo biển Anh trên những chiếc thuyền bơm hơi mỏng manh trong những năm gần đây. Chính sách nổi bật của Đảng Bảo thủ trong việc ngăn chặn các chuyến thuyền là kế hoạch trục xuất một số người di cư này đến Rwanda.
Tuy nhiên, với những người chỉ trích, họ cho rằng kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế và không thể ngăn chặn người dân chạy trốn chiến tranh, bất ổn và nạn đói.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...