Viễn cảnh chính phủ Mỹ bị đóng cửa đang rất gần trong bối cảnh các nhà lập pháp nước này khó đạt được thỏa thuận ngân sách trước cuối tuần này do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe cánh hữu trong Đảng Cộng hòa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thúc giục các nghị sĩ có những bước đi tức thì về ngân sách nhằm ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa sau hạn chót 30/9, cảnh báo nếu không điều này có thể gây tổn hại cho nhiều lĩnh vực quan trọng.
Nếu Quốc hội không đạt thỏa thuận trước hạn chót 30/9, một số bộ phận của Chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa bắt đầu từ ngày 1/10.
Tổng thống Joe Biden chỉ trích việc một nhóm nhỏ thành viên “cực đoan” của Đảng Cộng hòa không muốn làm theo thỏa thuận đạt được giữa Nhà Trắng và lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại quốc hội hồi tháng 5 nhằm tránh kịch bản “vỡ nợ”, có nguy cơ khiến người dân Mỹ phải “trả giá”: “Nếu chính phủ đóng cửa, điều đó có nghĩa là các thành viên Quốc hội, quân nhân Mỹ sẽ phải tiếp tục làm việc và không được trả lương. Việc chính phủ đóng cửa có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ an toàn thực phẩm đến nghiên cứu ung thư hay các chương trình dành cho trẻ em. Cấp ngân sách cho chính phủ là một trong những trách nhiệm cơ bản của Quốc hội. Và đã đến lúc đảng Cộng hòa cần bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mà nước Mỹ đã bầu để họ làm điều đó.”
Bế tắc ngân sách lần này được cho là xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỉ USD cho Ukraine.
Không chỉ ảnh hưởng đến việc làm của nhân viên liên bang, viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa còn có thể có tác động sâu rộng đến các dịch vụ công của chính phủ cũng như gây thiệt hại cho thị trường tài chính. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, cứ mỗi tuần chính phủ đóng cửa, tăng trưởng kinh tế lại giảm 0,2% dù sau đó sẽ tăng lại khi chính phủ tái mở cửa. Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp du lịch Mỹ ước tính, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày. Cũng xuất hiện lo ngại việc chính phủ Mỹ đóng cửa hoàn toàn và kéo dài có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất vào tháng 11 tới. Theo Phòng Thương mại Mỹ, một nền kinh tế hoạt động tốt cần có một chính phủ hoạt động tốt. Còn tờ Financial Times nhận định, việc ngừng hoạt động kéo dài có thể gây ra những tác động lan tỏa khắp nền kinh tế Mỹ, làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng khi đã có lo ngại rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy gần đây nỗ lực thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa thông qua kế hoạch ngân sách, song đều thất bại qua ba vòng bỏ phiếu.
“Không ai chiến thắng nếu chính phủ phải đóng cửa. Điều mà chúng tôi muốn là có thể giành được những chính sách mà chúng tôi đã đấu tranh để bảo vệ chúng. Tôi sẽ tiếp tục tập trung vào những điều đúng đắn cần làm cho người dân Mỹ. Và bạn biết không? Nếu cần phải đấu tranh, tôi sẽ đấu tranh.”
Các cơ quan liên bang sẽ phải bắt đầu đóng cửa vào ngày 1/10 trừ khi Quốc hội thông qua dự luật ngân sách tạm thời, hoặc dự luật ngân sách cả năm. Hiện chưa rõ liệu lưỡng đảng có đủ sự đồng thuận để thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn trước hạn chót hay không khi những người bảo thủ tại Hạ viện phản đối và đã đe dọa sẽ bỏ phiếu chống một lần nữa. Bất đồng quan điểm về vấn đề viện trợ cho Ukraine dự kiến sẽ trở thành một trong những yếu tố làm phức tạp thêm những nỗ lực thông qua dự luật ngắn hạn. Dù nhấn mạnh việc cấp ngân sách cho chính phủ là trách nhiệm của quốc hội song Nhà Trắng vẫn yêu cầu các cơ quan liên bang sẵn sàng cho kịch bản không mong muốn nói trên.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...