Các cơ quan quản lý rừng và sở cứu hỏa bang Uttarakhand, Ấn Độ, đang thực hiện kỹ thuật làm mưa nhân tạo tại các khu vực rừng dễ cháy.
Bằng việc sử dụng kỹ thuật tăng khả năng chuyển thành mưa của các đám mây, các cơ quan chức năng địa phương hy vọng những đám cháy này có thể được dập tắt.
Các đám cháy thường xuyên tàn phá các khu rừng ở bang nhiều đồi núi bang Uttarakhand, phía Bắc Ấn Độ, trong điều kiện nhiệt độ cao và thời tiết khô hạn kéo dài.
Bà Radha Raturi - Tổng thư ký bang Uttarakhand, Ấn Độ - cho biết: "Chúng tôi sắp triển khai dự án làm mưa. Tăng khả năng tạo mưa trên các đám mây là một kỹ thuật mới được các nước vùng Vịnh sử dụng khá thường xuyên, chẳng hạn như ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Qatar".
(Ảnh minh họa: Clovia)
Mưa nhân tạo được tạo nên bằng cách phân tán vào một số đám mây các chất như bạc iod, kali iod và đá khô, với các vật liệu hút ẩm trong không khí như muối ăn, tạo nên tình trạng ngưng tụ trong các đám mây, hình thành nên mưa rơi xuống đất.
Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy sau một thời gian ngắn tạm dừng, cháy rừng đã bùng phát trở lại, với 653 vụ chỉ riêng ở bang Uttarakhand.
Trong số các tổ chức giúp kiểm soát cháy rừng có Lực lượng Không quân Ấn Độ, lực lượng này đã sử dụng kỹ thuật chữa cháy trên không "Bambi Bucket", để lấy nước từ một hồ gần đó phun khắp khu vực.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...