Vào những năm 80 của thế kỷ XX, giới diều hâu Mỹ tuyên bố bắt đầu chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”. Người Mỹ đã lên kế hoạch phóng các vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất thấp có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo của Liên Xô, buộc Moscow tìm các phương pháp đối phó.
Câu trả lời của Liên Xô
Kế hoạch của Mỹ rõ ràng không góp phần hạ nhiệt căng thẳng trên thế giới. Tuy nhiên, Chương trình của người Mỹ đã thất bại thảm hại. Ngay cả trong quá trình thử nghiệm, các vệ tinh của họ cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng điều đó cũng không ngăn được giới lãnh đạo Liên Xô tiến xa hơn.
Chính phủ Liên bang Xô viết đã giao cho các chuyên gia quân sự nhiệm vụ tạo ra một tàu vũ trụ có thể bắn hạ các vệ tinh nước ngoài bằng hệ thống laser. Năm 1981, Nhà nước Liên Xô giao một kế hoạch đầy tham vọng cho Cục Thiết kế Salyut nhằm tạo ra một máy bay chiến đấu vệ tinh không gian có mật danh là "Skif". Các kỹ sư đã phát triển một thiết bị nặng 95 tấn, dài 40 mét được trang bị pháo laser cực mạnh.
Năm 1983, Yury Andropov ra lệnh đình chỉ công việc này tạm thời, nhưng sau đó, Mikhail Gorbachev - người tiếp theo lên nắm quyền, đã ra lệnh tiếp tục thực hiện. Rất có thể, quyết định của ông được đưa ra do Tổng thống Mỹ khi đó, ông Ronald Reagan là một người bài Nga nhiệt thành và là người ủng hộ cuộc chạy đua vũ trang.
Theo kế hoạch, mô hình máy bay trình diễn là “Skif-DM” (tên thứ hai là “Polyus”). Các nhà phát triển muốn phóng nó trên tên lửa Buran vào tháng 7/1985, nhưng vào thời điểm này họ đã không đủ thời gian để tạo ra tàu con thoi. Việc ra mắt đã bị buộc phải hoãn lại. Người ta quyết định phóng máy bay chiến đấu vệ tinh lên vũ trụ trên tàu vũ trụ của hệ thống Energia vào ngày 15/5/1987.
Sự kiện lớn
Máy bay chiến đấu vệ tinh sẽ được phóng vào quỹ đạo hành tinh trên phương tiện phóng siêu nặng mới 11K25. Đây là sự kiện quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Liên bang Xô Viết đến mức vào đêm trước ngày phóng, Tổng Bí thư Gorbachev đã đích thân đến Sân bay vũ trụ Baikonur.
Giới chức Sân bay vũ trụ Baikonur đã báo cáo với ông Gorbachev rằng Skif-DM sẽ tiến hành 5 thí nghiệm ứng dụng cho quân sự trong không gian. Nhưng ông Gorbachev tỏ vẻ hoài nghi. Trong bài phát biểu của mình, ông bất ngờ tuyên bố rằng việc chuyển cuộc chạy đua vũ trang vào không gian là không thể chấp nhận được.
Vụ phóng bị hoãn lại. Tuy nhiên, sau đó các kỹ sư đã xác định được các vấn đề kỹ thuật của máy bay và các kỹ thuật viên đã có thể khắc phục vấn đề tồn tại sau 8 giờ. Buổi phóng thử nghiệm vẫn diễn ra.
Ở độ cao 110 km, máy bay chiến đấu vệ tinh tách khỏi tàu mẹ và bay tự do để bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, máy bay chiến đấu vệ tinh mất định hướng, bắt đầu quay và không đạt được độ cao cần thiết, rơi xuống Thái Bình Dương.
Phân tích vụ phóng giúp xác định rằng động cơ của máy bay chiến đấu vệ tinh đã bật sớm hơn - trước khi vận tốc góc của nó giảm xuống. Các nhà kỹ thuật Liên Xô quyết định hoàn thiện máy bay chiến đấu vệ tinh theo các hướng đã chọn, nhưng năm 1991 đã đến - Liên Xô tan rã và chương trình đã bị đóng cửa.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...