Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ với các học viên tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức nhằm tăng cường trao đổi, hỗ trợ các giáo viên kiều bào trong công tác giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài.

Diễn giả chính của buổi Tọa đàm là Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách “Chào tiếng Việt” - bộ sách dạy tiếng Việt đoạt Giải A Sách Quốc gia năm 2023 và được nhiều độc giả trong và ngoài nước quan tâm.

Tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm, câu chuyện hay trong quá trình bà tham gia dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. Giới thiệu với các học viên về bộ giáo trình “Chào Tiếng Việt”, bà mong muốn cung cấp thêm cho học viên nguồn tài liệu tham khảo cho việc xây dựng giáo trình giảng dạy tiếng Việt của mình.

Các học viên được chia sẻ, trao đổi với diễn giả Thụy Anh và được chính tác giả hướng dẫn cách tiếp cận, sử dụng giáo trình “Chào Tiếng Việt” sao cho hiệu quả nhất; đồng thời, được hướng dẫn triển khai một số hoạt động thực tế tại lớp học, từ cách hòa nhập và thu hút sự chú ý của trẻ đến cách tạo sự hứng thú cho trẻ với ngôn ngữ mẹ đẻ.

Các học viên đã tích cực tham gia vào hoạt động giả định và những tình huống sư phạm cụ thể do Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh thiết kế. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNONN) 

“Tiếng Việt là di sản các con được thừa kế chứ không phải học ngôn ngữ thứ 2. Trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, nếu không tạo được sự thích thú sẽ khiến trẻ áp lực và chán nản, muốn trẻ học được tiếng Việt phải tạo ra động lực, môi trường cho trẻ, tạo sự mới lạ cho các con, qua đó các con tự ý thức và phát huy tinh thần tự học tiếng Việt”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ với các học viên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, khi giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài, trước hết bà tìm mọi cách "xóa bỏ sự sợ hãi” và tiết chế nội dung học. Mỗi buổi chỉ đưa ra kiến thức vừa đủ để trẻ không thấy quá dễ và cũng không quá sợ. Bà cho rằng cần tạo tâm lý cho trẻ học tiếng Việt một cách tự nhiên, có thể cho trẻ vừa học vừa chơi rất dễ nhớ. Thông qua các trò chơi với các từ khóa tiếng Việt gần gũi, dễ hiểu, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và kết hợp với âm nhạc,… để dễ nhớ và tạo thêm sức hấp dẫn cho việc học ngôn ngữ.

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí trao đổi, chia sẻ gần gũi bổ ích, thiết thực; các học viên đã tích cực tham gia vào hoạt động giả định và những tình huống sư phạm cụ thể do Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh thiết kế để người học trải nghiệm, rút ra kinh nghiệm và bài học cho riêng mình.

Cũng trong khuôn khổ Khóa tập huấn, nhằm nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa hình thức giảng dạy, Ủy ban Nhà nước về NVNONN còn phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức đào tạo, tập huấn cho các học viên về phương pháp hướng dẫn học sinh dựng hình tượng (trong đồng dao, ca dao, thơ…), cũng như lý thuyết và thực hành tổ chức trò chơi trong giáo dục./.