Ngày 22.6 tới, TAND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ mở lại 2 phiên tòa, xét xử 2 vụ kiện giữa nguyên đơn là bà T.T.B (59 tuổi) và ông P.Q.L (79 tuổi), cùng trú tại Q.Long Biên (Hà Nội), với bị đơn là Công ty TNHH luật H.N do luật sư (LS) V.M.C đại diện.
Năm 2014, chồng bà B. (đã qua đời) và ông L. cùng tham gia kinh doanh đa cấp và cầm cố 2 căn nhà đang ở để góp vốn vào các gói VIP. Về sau, họ phát hiện các hợp đồng cầm cố bị “hô biến” thành hợp đồng chuyển nhượng, nhà đất bỗng sang tên cho một người khác mà không hay biết. Nhận thấy bị lừa đảo, bà B., ông L. tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý từ LS.
Năm 2019, 2 người ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Công ty TNHH luật H.N, mỗi người nộp 50 triệu đồng. Một thời gian sau, bà B. và ông L. cho rằng LS C. nhận tiền nhưng không làm gì, vụ việc không có tiến triển, cũng không liên lạc được với LS, nên họ gửi đơn tới Đoàn LS TP.Hà Nội đề nghị xử lý đối với ông C., đến đầu năm 2023 thì gửi đơn khởi kiện ra tòa.
Ngược lại, LS C. khẳng định hợp đồng giữa 2 bên là tự nguyện, không vi phạm điều cấm. Ông đã tư vấn, soạn đơn tố cáo, cùng nhóm bà B. đi nộp đơn ở công an; một số nhiệm vụ khác chưa thực hiện được nhưng vẫn đang trong thời gian hợp đồng còn giá trị…; do đó yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ.
Tương tự vụ việc trên, năm 2017, TAND TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) thụ lý vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty xây dựng Đ.T và bị đơn là Công ty luật M.Q. Theo trình bày, Công ty Đ.T ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Công ty luật M.Q và ứng trước 36 triệu đồng. Quá trình thực hiện, Công ty Đ.T cho rằng phía công ty luật không thực hiện đúng theo thỏa thuận đã cam kết nên khởi kiện, yêu cầu trả lại số tiền đã tạm ứng. Mở phiên tòa xét xử, TAND TP.Bạc Liêu đã tuyên hợp đồng vô hiệu, buộc Công ty luật M.Q phải trả lại số tiền 36 triệu đồng cho nguyên đơn.
Xa hơn, năm 2015, Đoàn LS TP.Cần Thơ kỷ luật cảnh cáo một LS vì có hành vi nhận tiền của khách hàng nhưng không thực hiện nội dung đã ký kết, để cho khách hàng “tự bơi”. Chỉ tới khi khách hàng bị thiệt hại, khiếu nại đến cơ quan chức năng, LS này mới khắc phục hậu quả.
Ngoài những vụ việc vừa nêu, thực tế cho thấy còn một số trường hợp khách hàng phản ánh chuyện LS hứa hẹn trước về kết quả sẽ đạt được, nhưng sau này lại không như kỳ vọng; hoặc sau khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý và thu tiền thì LS thờ ơ, khó liên lạc, không chủ động cung cấp thông tin; hay như có cá nhân dù mới là người tập sự hành nghề nhưng lại xưng là LS để thực hiện các dịch vụ pháp lý…
Những trường hợp trên, nhất là việc thân chủ khởi kiện LS ra tòa, dù kết quả xử lý ra sao cũng đã ít nhiều ảnh hưởng tới uy tín của giới LS.
HỢP ĐỒNG RÕ RÀNG SẼ KHÓ CÓ TRANH CHẤP
LS Trần Văn An, Trưởng ban Đạo đức nghề nghiệp LS (Liên đoàn LS VN), cho biết qua công tác quản lý, giám sát LS thời gian qua, liên đoàn có thụ lý một số vụ khiếu nại, yêu cầu đòi lại tiền của khách hàng với LS. Dù số lượng không nhiều nhưng đây được coi là điển hình cho một dạng tranh chấp giữa 2 chủ thể này.
Một khi khách hàng đã khởi kiện ra đến tòa, sự ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nghề nghiệp là không thể tránh. Vì vậy, những năm gần đây, Liên đoàn LS VN rất chú trọng đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của LS, minh chứng rõ nhất là việc ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS VN.
Bộ quy tắc trên dành hẳn một chương về quan hệ giữa LS và khách hàng, bao gồm quy tắc về thù lao cũng như hành vi bị nghiêm cấm (hứa hẹn nằm ngoài khả năng, đưa ra thông tin làm khách hàng nhầm lẫn về khả năng của LS…). Đồng thời, bộ quy tắc cũng nêu rõ, nếu xảy ra tranh chấp, LS phải chủ động thương lượng, hòa giải, làm triệt tiêu nguyên nhân xảy ra tranh chấp, đồng thời có ứng xử phù hợp với khách hàng. “Ví dụ, nếu khách hàng gặp khó khăn, LS có thể điều chỉnh mức thù lao cho dù đã ký kết trong hợp đồng, bao gồm việc giảm, thậm chí miễn”, LS An nói.
Quay trở lại vụ khách hàng kiện LS để đòi lại tiền dịch vụ pháp lý mà TAND Q.Hoàn Kiếm đang thụ lý, LS An cho hay chưa bàn đến nội dung cụ thể nhưng rất có khả năng tranh chấp phát sinh từ việc hợp đồng thỏa thuận không rõ ràng, không chi tiết, có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nếu các điều khoản trong hợp đồng đều rõ ràng, minh định về quyền và nghĩa vụ của các bên, chắc chắn tranh chấp sẽ được giảm thiểu, mà điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của LS.
Trưởng ban Đạo đức nghề nghiệp LS cũng nhấn mạnh, cần phân biệt 2 nội dung. Thứ nhất là việc LS có phải trả lại tiền cho khách hàng hay không, trả bao nhiêu, đây là thẩm quyền của tòa án. Thứ hai là việc LS thu tiền, ứng xử và thực hiện công việc với khách hàng có đúng hay không, thì đây là trách nhiệm của các đoàn LS và Liên đoàn LS VN. Các đoàn LS hoặc Liên đoàn LS VN nếu nhận được phản ánh, khiếu nại của khách hàng sẽ xem xét, đánh giá toàn diện để kết luận liệu LS có vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nếu có thì xử lý theo quy định và thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý nghiêm.
Thông tin thêm, LS Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng – kỷ luật (Liên đoàn LS VN), cho hay Liên đoàn LS VN có chức năng hòa giải khi xảy ra tranh chấp về dịch vụ pháp lý giữa LS và khách hàng. Liên đoàn sẽ rà soát các quy định theo luật LS, Điều lệ Liên đoàn, Bộ quy tắc đạo đức… để xem xét. Nếu LS vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp (hứa hẹn kết quả để nhận thù lao, vòi vĩnh khách hàng, đưa ra nội dung hứa thưởng…) thì sẽ chịu chế tài từ đoàn hoặc liên đoàn LS.
Trường hợp LS không có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dù đã hòa giải mà 2 bên vẫn còn bất đồng quan điểm về việc thực hiện hợp đồng pháp lý, thì đây thuần túy là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Để hạn chế tình trạng vi phạm cũng như tranh chấp giữa LS và khách hàng, việc học tập, quán triệt các quy định liên quan đến LS, nhất là Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS VN, rất quan trọng. Hằng năm, các đoàn LS, Liên đoàn LS VN vẫn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc sinh hoạt chuyên đề, qua đó để đội ngũ LS nhận thức, nắm bắt và tuân thủ.