Tuy nhiên, khi ký vào biên bản bàn giao kết luận điều tra, ông Nguyễn Hồng Khanh trình bày: "Tôi không đồng ý nội dung bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự số 320/KLĐTBS-CSKT ngày 16.9.2024".
Gây thất thoát trên 35 tỉ đồng
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) đã chỉ đạo Nguyễn Quang Lộc (Phó phòng Khách hàng doanh nghiệp 1), xử lý tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH SXTM An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp (do bà Hồ Thị Hiệp làm chủ, đã mất) tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để thu hồi nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Hùng và Lộc không thực hiện đúng quy trình, không đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm; không lập báo cáo thẩm định giá trị tài sản để xác định giá thị trường dự kiến của tài sản; không thực hiện thuê tổ chức tư vấn, chuyên môn để định giá mặc dù tài sản không đủ để thanh toán nợ gốc. Tiếp đó, ông Hùng và Lộc, bà Hồ Thị Hiệp (chủ tài sản) và ông Nguyễn Hồng Khanh thống nhất về giá để ông Khanh chuyển một phần tiền mua đất vào tài khoản Công ty TNHH SXTM An Tây tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để ngân hàng thu nợ.
Số tiền còn lại trên 4,33 tỉ đồng được ông Khanh trực tiếp đưa bằng tiền mặt cho bà Hiệp; ông Lộc cùng bà Hiệp và ông Khanh ký 2 hợp đồng chuyển nhượng cùng 1 tài sản với 2 giá khác nhau để hợp thức hồ sơ xử lý nợ tại ngân hàng, che giấu việc không thu hồi hết số tiền xử lý tài sản thế chấp (phần tiền trả cho bà Hiệp).
Qua 4 lần xử lý tài sản thế chấp, Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn thu được số tiền trên 10,36 tỉ đồng, ông Khanh trả tiền mặt cho bà Hồ Thị Hiệp trên 4,38 tỉ đồng…
Cơ quan điều tra cho rằng kết quả định giá tài sản của hội đồng định giá tài sản, xác định giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp để thu nợ trên 45,78 tỉ đồng, nên Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn bị thất thoát trên 35,41 (trong đó có số tiền bà Hiệp nhận trên 4,33 tỉ đồng)…
Bị can Nguyễn Hồng Khanh nói gì?
Sau khi nhận kết luận điều tra bổ sung, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết sẽ tiếp tục kêu oan, đồng thời mong vụ án sớm đưa ra xét xử đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.
Theo ông Khanh, bản kết luận điều tra bổ sung lần này không có gì mới so với các kết luận cũ. Trong khi đó, nội dung của các kết luận cũ có trong bản án sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
"Tòa phúc thẩm cũng chỉ ra một số yêu cầu và hủy án điều tra lại, nhưng đã hơn 3 năm nay quá trình điều tra lại vẫn chưa làm rõ được những vấn đề đó…", ông Khanh nói.
Ngoài ra, ông Khanh cũng khẳng định việc mua bán giữa ông và bà Hiệp là giao dịch cá nhân giữa hai người không liên quan gì đến ngân hàng...
Như Thanh Niên đã thông tin, ông Nguyễn Hồng Khanh bị khởi tố, bắt giam vào ngày 10.8.2018. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt ông Khanh 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đến tháng 8.2020 ông Khanh được tại ngoại. Ngày 25.5.2021, tòa cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu. Sau nhiều lần tạm đình chỉ, phục hồi điều tra đến nay vụ án vẫn chưa đi đến hồi kết.