Xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2: Xung quanh cáo buộc chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng

09:07 - 30/09/2024

Theo cáo trạng, từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của SCB.

Ngày 25.9, HĐXX bắt đầu thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan và 8 bị cáo đồng phạm về tội "rửa tiền" hơn 445.000 tỉ đồng. Bốn ngày trước đó, HĐXX, Viện kiểm sát, luật sư đã thẩm vấn xong bị cáo Trương Mỹ Lan và 28 đồng phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của SCB (hơn 415.000 tỉ đồng) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của trái chủ (hơn 30.081 tỉ đồng) liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sau đó, Trương Mỹ Lan chỉ đạo một số bị cáo lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB nhằm che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có, hợp pháp hóa hơn 445.000 tỉ đồng để sử dụng cho các mục đích theo chỉ đạo của bị cáo Lan.

Xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2: Xung quanh cáo buộc chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng

Bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận sử dụng hơn 445.000 tỉ đồng sau khi chiếm đoạt của SCB và trái chủ

Ảnh: Ngọc Dương

Ngoài ra, kết quả điều tra còn chứng minh từ tháng 2.2019 - 9.2022, bị cáo Bùi Văn Dũng (tài xế của bị cáo Trương Mỹ Lan) đã nhận và vận chuyển hơn 108.000 tỉ đồng, hơn 14,7 triệu USD về tòa nhà Sherwood (Q.3, TP.HCM) hoặc về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan) theo chỉ đạo của bị cáo Lan. Trong đó có hơn 6.300 tỉ đồng lấy từ nguồn phạm tội tham ô tài sản, và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại tòa, các bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) khai đã thành lập và sử dụng khoảng 600 công ty phối hợp với cựu lãnh đạo SCB lập các khoản vay khống để rút tiền ra khỏi ngân hàng này. Bị cáo Nguyễn Phương Anh khai thêm kịch bản chạy dòng tiền do bị cáo Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB, đã qua đời) hướng dẫn thực hiện; bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) khai bản thân chỉ nhận được thông tin từ Trương Mỹ Lan phối hợp với Nguyễn Phương Anh để lên phương án vay vốn và giải ngân, còn lại sau đó không biết chi tiết dòng tiền chạy như thế nào.

Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) cũng khai phối hợp với bị cáo Phương Anh để lên phương án giải ngân cho các khoản vay. Tuy nhiên, bị cáo phụ trách việc giải ngân từ ngân hàng, còn tiền giải ngân ra, rồi đi về đâu do Phương Anh phụ trách.

Trả lời HĐXX, bị cáo Bùi Văn Dũng khai khi cần đi vận chuyển tiền thì được Trần Thị Hoàng Uyên thông báo đến SCB gặp thủ quỹ nhận tiền. "Tại tầng hầm của ngân hàng, đến nơi thì có người đã đóng tiền vào các thùng hoàn chỉnh, bị cáo chỉ việc đưa lên xe chở về. Khi đi giao tiền cho ai thì đều ghi vào sổ, trường hợp không có chỉ đạo giao cho ai thì chở tiền về tòa nhà 127 Pasteur giao cho thư ký của chị Lan", bị cáo Dũng trình bày. Bị cáo Uyên trình bày khi nhận tiền chuyển về, bị cáo chỉ biết nhận theo thùng chứ không biết nguồn gốc tiền từ đâu.

Trái với các lời khai trên, bị cáo Trương Mỹ Lan khai không chiếm đoạt, sử dụng 445.000 tỉ đồng. "Chỉ có 75 tỉ đồng là khoản vay đến hạn thì anh em (cựu lãnh đạo SCB) tự động cơ cấu lại khoản vay. Các khoản tiền giải ngân từ SCB thường sử dụng để trả nợ cho các khoản vay cũ. Khoản vay cũ ở đây là khoản vay của SCB nhằm tái cơ cấu lại các khoản nợ của ngân hàng chứ không phải sử dụng để trả nợ cho các khoản vay cho các công ty của Vạn Thịnh Phát", bị cáo trình bày.

Về các khoản tiền nộp vào các thẻ tín dụng, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định dùng tiền của mình để chi trả, không lấy tiền của SCB. Còn việc giao Bùi Văn Dũng đến ngân hàng lấy tiền về, bị cáo Lan lý giải trong hơn 3 năm, từ tháng 1.2018 - 10.2022, bị cáo đang thực hiện dự án FDI (dự án có vốn đầu tư nước ngoài) nên nguồn tiền giao dịch rất nhiều. Do đó, toàn bộ số tiền nhờ tài xế chở đều là tiền của bị cáo, không phải là tiền của SCB.

Đồng phạm giúp sức vợ "rửa tiền" hơn 33 tỉ đồng/445.000 tỉ đồng, bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận hành vi phạm tội; nhưng giãi bày rằng khi tiền vào thẻ tín dụng, bị cáo nghĩ đó là lợi nhuận từ việc kinh doanh của tập đoàn, chứ không biết có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của vợ. Theo cáo trạng, từ ngày 1.1.2018 - 10.10.2022, bị cáo Lan chỉ đạo nhân viên nộp hơn 225 tỉ đồng vào 3 thẻ tín dụng của chồng. Trong tổng số tiền này, bị cáo Chu Lập Cơ đã dùng hơn 33 tỉ đồng để thanh toán các dịch vụ, mua sắm nữ trang, kim khí, đá quý… cho cá nhân và vợ.

Ở giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo bị xét xử về 3 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỉ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng). Trong giai đoạn 1 vụ án, bị cáo Lan bị tuyên tử hình vì chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỉ đồng, bị cáo Chu Lập Cơ bị tuyên án 9 năm tù.

Hôm nay 26.9, phiên tòa tiếp tục với phần hỏi của luật sư.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha