Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị tuyên 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, 14 bị cáo còn lại, trong đó có con trai ông Dũng, bị tuyên thấp nhất 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 3 năm tù.
Nhà đầu tư được bồi thường hơn 8.600 tỉ đồng
Một vấn đề được nhiều người quan tâm trong vụ án này, đó là số tiền hơn 8.600 tỉ đồng mà các nhà đầu tư đã bỏ ra mua trái phiếu Tân Hoàng Minh nhưng bị chiếm đoạt, sẽ được xử lý như thế nào?
Hội đồng xét xử cho hay, theo nguyên tắc bồi thường cần yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Tuy vậy, số tiền các bị hại đã nộp đầy đủ cho Tân Hoàng Minh và thực tế việc sử dụng tiền này do ông Đỗ Anh Dũng quyết định, các bị cáo khác không được hưởng lợi và cũng không có vai trò quyết định.
Do đó, để đảm bảo sự công bằng cho các bị cáo, tòa cho rằng cần buộc bị cáo Dũng bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỉ đồng cho 6.630 bị hại.
Bản án vừa được tuyên cũng đề cập đến ý kiến của các bị hại về việc yêu cầu được trả tiền lãi phát sinh. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cho hay đây là vụ án hình sự, chỉ quyết định trách nhiệm bồi thường dân sự liên quan số tiền chiếm đoạt nên không có căn cứ tính các loại lãi như bị hại yêu cầu.
Yêu cầu này chỉ được xem xét giải quyết sau khi bản án xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo có hiệu lực pháp luật. Thiệt hại khác không liên quan số tiền chiếm đoạt cũng không có cơ sở xem xét.
Đối với ý kiến của bị cáo Dũng về việc đồng ý trả lãi các trái phiếu mua trước thời điểm bị khởi tố, đây là sự tự nguyện của bị cáo, không thuộc phạm vi xử lý vụ án.
Với những cá nhân tổ chức khác, từ khi cơ quan điều tra công khai kết luận điều tra đến khi xét xử, nếu không có tên trong danh sách bị hại nhưng cũng không khai báo xuất trình, sau này nếu có yêu cầu sẽ được giải quyết trong vụ án khác.
Đối với số tiền hơn 8.600 tỉ đồng do thu hồi trong quá trình điều tra vụ án và các bị cáo tự nguyện nộp, tòa tuyên tiếp tục tạm giữ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.
Đủ tiền để khắc phục toàn bộ hậu quả
Trong số 6.630 bị hại có đến hơn 1.400 nhà đầu tư có đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ cho ông Đỗ Anh Dũng cùng các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vì các bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả.
Được triệu tập tới tòa, các bị hại có nhiều quan điểm khác nhau. Người thì chỉ cần trả lại tiền gốc đã bỏ ra mua trái phiếu, người lại yêu cầu trả cả tiền lãi phát sinh, người mong muốn được nhận tiền ngay sau khi phiên tòa kết thúc.
Về vấn đề này, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nói với những khoản lãi của các hợp đồng đến hạn trước thời điểm bị khởi tố và bắt tạm giam, bị cáo "xin hứa sẽ trả". Còn với những khoản lãi của các hợp đồng đến hạn sau thời điểm trên, bị cáo sẽ "tuân thủ theo bản án của tòa".
Riêng về yêu cầu trả tiền lãi phát sinh theo lãi suất ngân hàng, bị cáo Dũng cho biết mình bị khởi tố và bắt tạm giam thì hiểu rằng hợp đồng bị vô hiệu, nguồn tiền đang đưa vào kinh doanh thì phải thu hồi để khắc phục, chưa thể sinh lời, lãi phát sinh là không có. Vì vậy, Tân Hoàng Minh sẽ tự nguyện thực hiện trong khả năng của tập đoàn.
Đại diện viện kiểm sát cũng nhận định, việc phát hành 9 lô trái phiếu và bán cho nhà đầu tư của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là trái quy định pháp luật, nên phải thu hồi và tiêu hủy theo quy định. Do đó, hợp đồng mua bán giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Tân Hoàng Minh là vô hiệu, cần giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu.
Tính đến thời điểm trước khi mở phiên tòa, tổng số tiền các bị cáo tự nguyện nộp và bị tạm giữ trong quá trình điều tra là hơn 8.600 tỉ đồng. Số tiền này đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Quá trình diễn ra phiên tòa, Công ty Ngôi Sao Việt (một trong 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đứng ra phát hành trái phiếu) đã nộp thêm 2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, đồng thời thực hiện lời hứa của ông Dũng về việc trả lãi với những hợp đồng đến hạn trước khi bị bắt.