15 bị cáo đều được tuyên dưới khung truy tố
Trong vụ án này, các bị cáo cùng bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù hoặc chung thân. Tuy nhiên, cả 15 người cùng được hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt mức án dưới khung truy tố.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, là người lãnh mức án cao nhất, 8 năm tù. Tiếp đến là con trai của bị cáo, Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 3 năm tù. 13 bị cáo còn lại, gồm lãnh đạo, nhân viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 2 công ty kiểm toán bị tuyên thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 30 tháng tù.
Bản án xác định để giải quyết khó khăn về tài chính, bị cáo Đỗ Anh Dũng ra chủ trương phát hành 9 lô trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Thực hiện chủ trương này, con trai bị cáo là Đỗ Hoàng Việt cùng một số nhân viên tập đoàn tạo lập hồ sơ phát hành trái phiếu. Hồ sơ này được xây dựng trên các báo cáo tài chính đã "làm đẹp" số liệu, với sự tiếp tay của công ty kiểm toán.
Tiếp đó, các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh lập hợp đồng giả cách, "chạy" dòng tiền khống, hợp thức cho tập đoàn này trở thành trái chủ sơ cấp của các lô trái phiếu, rồi bán cho nhà đầu tư, thu về hơn 14.000 tỉ đồng. Phần lớn số tiền được bị cáo Dũng chỉ đạo chi tiêu không đúng phương án phát hành, gây thiệt hại hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 nhà đầu tư.
HĐXX nhận định các bị cáo đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền đặc biệt lớn, làm xấu an ninh trật tự xã hội. Bị cáo Đỗ Anh Dũng là người chỉ đạo xuyên suốt quá trình "ra đời" các lô trái phiếu, hợp thức trái chủ và bán đến tay nhà đầu tư, vì thế có vai trò cao nhất.
Bị cáo Việt thực hiện các chỉ đạo của cha mình, có vai trò đứng thứ hai. Các bị cáo còn lại tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vai trò giúp sức, chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo và không được hưởng lợi gì.
HĐXX cũng ghi nhận các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhiều bị hại xin giảm nhẹ… Riêng bị cáo Dũng từng được nhận bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong kinh doanh và đóng góp cho xã hội. Bị cáo cùng gia đình nỗ lực nộp hơn 5.600 tỉ đồng, cùng với gần 3.000 tỉ đồng thu hồi được trong quá trình điều tra vụ án, đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả.
Bác bỏ yêu cầu trả lãi của nhà đầu tư
Trong quá trình xét xử, gần 1.000 nhà đầu tư được triệu tập có mặt tại tòa. Họ có nhiều quan điểm khác nhau về số tiền bị chiếm đoạt. Người thì chỉ cần trả lại tiền gốc đã bỏ ra mua trái phiếu, người yêu cầu trả cả tiền lãi phát sinh, người mong muốn được nhận tiền ngay sau khi phiên xử kết thúc.
HĐXX cho hay theo nguyên tắc thì phải yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Tuy vậy, kết quả điều tra, truy tố và xét xử cho thấy số tiền các bị hại đã nộp đầy đủ cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh và việc sử dụng số tiền này đều do bị cáo Đỗ Anh Dũng chỉ đạo. Các bị cáo khác không có vai trò quyết định, cũng không được hưởng lợi. Do vậy, để đảm bảo sự công bằng cho các bị cáo, tòa buộc bị cáo Dũng bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỉ đồng cho 6.630 bị hại.
Đối với ý kiến của một số bị hại về việc yêu cầu được trả tiền lãi phát sinh, HĐXX cho biết đây là vụ án hình sự nên chỉ quyết định trách nhiệm bồi thường dân sự liên quan số tiền bị chiếm đoạt, vì thế không có căn cứ tính các loại lãi phát sinh như phía bị hại mong muốn. Yêu cầu này chỉ được xem xét giải quyết sau khi bản án xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo có hiệu lực pháp luật. Thiệt hại khác không liên quan số tiền chiếm đoạt cũng không có cơ sở xem xét.
Quá trình xét xử, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh có "hứa" trả lãi cho các hợp đồng trái phiếu đến hạn tính tới thời điểm trước khi mình bị khởi tố, bắt tạm giam. Tòa cho hay đây là sự tự nguyện của bị cáo, không thuộc phạm vi xử lý vụ án.
Hiện, cơ quan tố tụng đang tạm giữ hơn 8.600 tỉ đồng, gồm hơn 5.600 tỉ do bị cáo Dũng và gia đình tự nguyện nộp, gần 3.000 tỉ đồng thu hồi trong quá trình điều tra. HĐXX tuyên tiếp tục tạm giữ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.
Riêng với những cá nhân, tổ chức từ khi kết luận điều tra đến lúc xét xử vẫn không có tên trong danh sách bị hại (cũng không khai báo, xuất trình), tòa tuyên bố sau này nếu có yêu cầu sẽ được giải quyết trong vụ án khác.