Tại tòa, Đỗ Thị Nhàn nói: "Bị cáo ân hận và xấu hổ với chính bản thân và gia đình. Bị cáo ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong vụ án, mong tòa xem xét cho bị cáo hưởng mức án khoan hồng, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" và bày tỏ nguyện vọng sớm trở về để dưỡng bệnh.
Bị cáo Nhàn có 5 luật sư tham gia bào chữa. Luật sư cho rằng VKS đề nghị phạt bị cáo tù chung thân là "quá nghiêm khắc" và truy tố tội nhận hối lộ là không phù hợp. Bởi hành vi của các bị cáo trong đoàn thanh tra là một vòng khép kín, thế nhưng chỉ riêng bị cáo Nhàn bị truy tố tội nhận hối lộ, có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình, là "quá cao, không công bằng đối với bị cáo".
Cũng theo luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) trực tiếp chỉ đạo bị cáo Nhàn, còn bị cáo Nhàn chỉ đạo tổ thanh tra. "Vậy tại sao các bị cáo trong vụ án lại bị truy tố tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt cao nhất cũng chỉ là 15 năm tù?", luật sư nêu vấn đề. Đồng thời, theo luật sư, dù Đỗ Thị Nhàn nhận số tiền 5,2 triệu USD, nhiều hơn so với các bị cáo trong đoàn thanh tra, nhưng đây không phải là căn cứ để định tội danh khác, so với các bị cáo còn lại.
Trong quá trình thanh tra tại SCB từ năm 2017 - 2018, vì nhận tiền, lợi ích vật chất từ ngân hàng này nên bị cáo Hưng chỉ đạo bị cáo Nhàn rồi Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo tổ tổng hợp và các thành viên trong đoàn, cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra. Đồng thời, các bị cáo báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Các bị cáo đã tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền hơn 514.000 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Hưng với vai trò chủ mưu, các bị cáo khác với vai trò giúp sức.