Phiên tòa được mở do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (41 tuổi, trú tại Hà Nội), người bị cáo buộc giữ vai trò cao nhất trong vụ án, cùng kháng cáo của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietAbank) và nhiều "đại gia" sở hữu hàng trăm tỉ đồng liên quan.
Hồi tháng 3.2023, Nguyễn Thị Hà Thành bị tuyên mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hàng chục cựu cán bộ ngân hàng NCB, PVCombank và VietAbank cũng lĩnh án tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Hà Thành được các cựu cán bộ 3 ngân hàng nêu trên tiếp tay trong việc lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với nhiều "đại gia", hứa trả lãi suất cao.
Bị cáo giả mạo chữ ký của "đại gia" để cầm cố sổ tiết kiệm, vay tiền 3 ngân hàng này. Hậu quả khiến NCB thiệt hại 47,5 tỉ đồng, PVcombank 49,4 tỉ đồng, VietAbank hơn 273 tỉ đồng, 4 cá nhân bị rút 63 tỉ đồng; tổng cộng thiệt hại là hơn 433 tỉ đồng.
Quá trình xét xử sơ thẩm, Nguyễn Thị Hà Thành khai nhận thông qua mối quan hệ với nhân viên 3 ngân hàng trên để tìm kiếm danh sách khách VIP, thỏa thuận đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm. Sau khi sổ phát hành, Thành tìm cách cầm cố, chiếm đoạt tiền như đã nêu.
Về phía mình, các "đại gia" cho hay đồng ý góp tiền vào sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Thành là do tin tưởng vào sự đảm bảo của các nhân viên ngân hàng, nhưng lại bị phản bội, dẫn đến mất tiền. Họ đề nghị phía ngân hàng trả lại các sổ tiết kiệm cho mình.
Trong khi đó, đại diện 3 ngân hàng cho rằng Nguyễn Thị Hà Thành mới là người phải bồi thường cho các "đại gia", còn các sổ tiết kiệm là "công cụ phạm tội" nên ngân hàng được giữ lại.
Sau khi xem xét quan điểm của các bên, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Thành phải trả cho 3 ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank lần lượt 47,5 tỉ đồng, 274 tỉ đồng và 50 tỉ đồng cùng hàng chục tỉ đồng cho các bị hại là cá nhân.
Đối với hàng trăm tỉ đồng trong các sổ tiết kiệm của 8 "đại gia" liên quan vụ án, tùy thuộc các "đại gia" có quan hệ vay nợ với Thành hay không, tòa tuyên buộc ngân hàng phải trả cho chủ sở hữu, hoặc tiếp tục giao 3 ngân hàng tạm quản lý để đảm bảo thi hành án.
Đáng chú ý, trong số các sổ tiết kiệm tòa tuyên giao 3 ngân hàng tiếp tục tạm quản lý có 122 tỉ đồng đứng tên vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại Hà Nội) cùng hàng chục tỉ đồng của 4 đại gia khác đứng tên đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành.
Theo nhận định của tòa, 5 "đại gia" này đồng sở hữu rồi đưa sổ cho Thành quản lý vì "ham tiền thưởng" mà Thành hứa hẹn, nên có cơ sở xác định số tiền trên là cho Thành vay.
Bản chất việc gửi tiền vào ngân hàng của các "đại gia" là để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay Thành trong trường hợp Thành không trả được nợ. Vì thế, đây là hợp đồng giả cách nhằm che giấu quan hệ vay nợ.
Trong số những người kháng cáo, có ông Đặng Nghĩa Toàn. "Đại gia" này được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không phải bị hại.