Phiên tòa khai mạc từ ngày 5.3, và dự kiến kết thúc ngày 29.4.
Trong 86 bị cáo bị đưa ra xét xử, có bị cáo Trương Mỹ Lan và 84 đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, "rút ruột" của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng.
Trong ngày đầu tiên của tuần thứ 4, như HĐXX đã thông báo, luật sư của bị cáo Nguyễn Cao Trí sẽ là người đầu tiên bào chữa. Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) là bị cáo duy nhất không phải là đồng phạm của Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB. Nguyễn Cao Trí bị xét xử do hành vi tìm cách chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của Trương Mỹ Lan sau khi biết thông tin Lan bị bắt.
Cụ thể, trước khi Trương Mỹ Lan bị bắt, bị cáo Trí nhận của Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng để chuyển nhượng một số cổ phần của Trí cho Lan trong 3 dự án. Khi biết Lan bị bắt, Trí chỉ đạo Bùi Anh Tuấn soạn thảo các văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư; điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, rồi hẹn Hồ Quốc Minh (người đứng tên sở hữu cổ phần giúp cho Trương Mỹ Lan) để ký thanh lý hợp đồng đã được soạn trước, sau đó ghi lùi ngày trong các văn bản thanh lý, chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của Lan.
Bị cáo Trí đã tự nguyện và tác động gia đình khắc phục hơn 700 tỉ đồng tiền mặt, kê biên 6 bất động sản nhằm khắc phục đủ toàn bộ thiệt cho Trương Mỹ Lan. Hơn nữa, bị cáo Trí được hưởng các tình tiết giảm nhẹ: được tặng thưởng nhiều Huân chương lao động, bằng khen, bị cáo tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch Covid-19, được người bị hại xin giảm nhẹ một phần hình phạt.
Luật sư: Đề nghị miễn hình phạt cho Nguyễn Cao Trí
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí, luật sư Trần Minh Hải nói cảm ơn Viện kiểm sát đã ghi nhận 4 tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ mình, không có tình tiết tăng nặng nào. "Kết thúc phần luận tội của Nguyễn Cao Trí, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo, nhưng tôi bất ngờ khi Viện kiểm sát đề nghị ông Trí 10 – 11 năm tù", luật sư Hải chia sẻ.
Luật sư Trần Minh Hải mong HĐXX, Viện kiểm sát ghi nhận yếu tố diễn biến phiên tòa, nhận thức của thân chủ mình là thừa nhận hành vi khi trình bày "từ suy nghĩ sai lầm dẫn đến hậu quả ngày hôm nay phải đứng trước tòa". Hơn nữa, hành vi thanh lý các hợp đồng của ông Trí không phải vì chiếm đoạt tài sản, mà lo lắng cho hệ thống liên quan bị ảnh hưởng sau khi bà Lan bị bắt.
Trong các tình tiết giảm nhẹ của Nguyễn Cao Trí, luật sư cho rằng tình tiết khắc phục hậu quả nó không chỉ là yếu tố giảm nhẹ nói riêng giữa ông Trí đối với bà Trương Mỹ Lan, mà góp phần chung vào khắc phục hậu quả trong vụ án của bà Lan và SCB. Đồng thời, gia đình ông Trí vừa thanh toán thêm 20 tỉ đồng, nâng số tiền mặt đã khắc phục cho bà Lan là hơn 757 tỉ đồng và còn 6 bất động sản đang kê biên, đảm bảo khắc phục hoàn toàn thiệt hại cho bà Lan.
"Vợ ông Trí cam kết nộp hơn 242 tỉ đồng còn lại bằng tiền mặt trong thời gian xét xử vụ án, hoặc nếu gia đình không sắp xếp kịp thì chậm nhất là 3 tháng kể từ ngày án có hiệu lực, nên cũng mong HĐXX ghi nhận", luật sư Hải nêu.
Ngoài ra, luật sư của ông Trí đề cập đã có hơn 2.000 người trong hệ thống tổ chức, doanh nghiệp của ông Trí ký tên xin giảm án cho ông Nguyễn Cao Trí; ông Nguyễn Đắc Tâm (Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường đại học Văn Lang) dù đang trên giường bệnh cũng viết thư tay xin giảm án cho ông Nguyễn Cao Trí.
Vì vậy, theo các luật sư, từ những tình tiết giảm nhẹ Viện kiểm sát đã áp dụng, cùng các đơn xin của những người liên quan, trong đó có tình tiết khắc phục hậu quả tuyệt đối nên mong HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt là miễn hình phạt theo điều 59 bộ luật Hình sự cho ông Trí. Trường hợp vẫn có hình phạt thì áp dụng mức án thấp nhất trong khuôn khổ pháp luật. Ông Trí bị truy tố ở khung hình phạt từ 12 – 20 năm tù.
"Nỗ lực giải quyết khủng hoảng tạo nên sai lầm"
Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Trí trình bày khi nghe Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án "tôi thấy bất ngờ vì quá cao đối với hành vi của mình, nên muốn trình bày thêm để HĐXX, Viện kiểm sát xem xét thấu đáo hành vi của tôi".
"Bị cáo giải thích không phải để biện minh. Sai lầm, bị cáo nhận hết. Nhưng bị cáo muốn giải thích để tất cả cùng hiểu thêm. Rằng trong bối cảnh chị Lan và hệ thống của chị Lan bị khởi tố, bị cáo bối rối và lo lắng, vì lo sợ hệ thống của mình sẽ bị ảnh hưởng. Tại bối cảnh thời điểm đó, bị cáo có đắn đo, lo lắng, chần chừ muốn biết chị lan như thế nào. Để giải quyết khủng hoảng thời điểm đó, bị cáo đã chọn giải pháp sai lầm dẫn đến hành vi sai lầm", ông Trí trình bày.
Theo bị cáo Trí, đây là sai lầm giữa cá nhân và cá nhân, giữa doanh nhân và doanh nhân, và một tình huống có thật là doanh nhân sai lầm khi giải quyết khủng hoảng, rủi ro trong quá trình hợp tác.
"Sai phạm của bị cáo nếu đặt trong vụ án này là thiệt hại nhỏ nhất, giờ phút này đã đảm bảo khắc phục 100%. Trong vụ án liên quan đến bị cáo Lan và SCB, có những thiệt hại hàng trăm tỉ đồng nhưng một số bị cáo lại được đề nghị án treo. Bị cáo so sánh không muốn ảnh hưởng đến bị cáo khác nhưng mong được HĐXX, Viện kiểm sát cân nhắc để có bản án phù hợp cho bị cáo", ông Trí nêu thêm.
Cuối cùng, ông Nguyễn Cao Trí mong HĐXX, Viện kiểm sát ghi nhận diễn biến "bị cáo nỗ lực giải quyết khủng hoảng tạo sai lầm; bị cáo đang bị chấn thương cột sống cần chữa trị; bị cáo vẫn đang là Tổng giám đốc, Chủ tịch của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, việc bị cáo bị giam quá lâu sẽ ảnh hưởng 6.000 người lao động, nên mong được HĐXX xem xét trên tổng thể toàn bộ vụ án, khoan hồng, bao dung để có bản án hợp tình, hợp lý.
Sau phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí thì luật sư lần lượt bào chữa cho 58/86 bị cáo còn lại trong vụ án.
Viện kiểm sát: Thiệt hại sau khi trừ tài sản đảm bảo còn trên 498.000 tỉ đồng
Cáo trạng xác định Trương Mỹ Lan thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, rút tiền của SCB. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về 3 tội danh: tham ô tài sản; vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; đưa hối lộ. Các đồng phạm của Trương Mỹ Lan bị đề nghị từ 3 năm tù treo đến tù chung chân.
Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát đề nghị Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho SCB hơn 677.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo; buộc các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở dư nợ của các khoản vay trừ đi tổng giá trị tài sản bảo đảm được phân bổ cho các khoản vay đã được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá và được SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro.
Như vậy, Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB trên 498.000 tỉ đồng và lãi phát sinh theo quy định pháp luật.