Phiên tòa dự kiến kéo dài trong nhiều ngày. Thẩm phán Vũ Quang Huy được phân công làm chủ tọa phiên tòa. 6 kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP.Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên xử.
Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS, với tư cách là bị hại; đồng thời, triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Với số lượng người được triệu tập thuộc diện lớn nhất từ trước tới nay, công tác chuẩn bị cho phiên xử được TAND TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Với số lượng người tham gia phiên tòa rất lớn, TAND TP.Hà Nội bố trí 1 hội trường xét xử chính, 1 hội trường họp và 1 khu vực dựng rạp ngoài trời. Với 3 hội trường này, sức chứa tối đa có thể lên tới 2.500 người.
Theo bố trí của tòa, diễn biến phiên xử sẽ được truyền tải trực tiếp từ hội trường xét xử chính đến 2 hội trường còn lại thông qua màn hình tivi. Do đó, hệ thống đường truyền dữ liệu, âm thanh đã được chuẩn bị kỹ càng.
Tại mỗi hội trường, tòa cũng sắp xếp hệ thống máy tính hiển thị thông tin của hơn 30.000 bị hại, ngoài ra còn có danh sách in bằng giấy. Các nhà đầu tư tham gia phiên tòa có thể kiểm tra, đối chiếu thông tin qua 2 kênh này.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho thấy có khoảng 80 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa.
Ngay tại hội trường xét xử chính, tòa trang bị hơn 50 chiếc máy tính xách tay để phục vụ luật sư trong quá trình tranh tụng.
Với số lượng người tham gia phiên tòa kỷ lục, công tác y tế, hậu cần, phòng cách ly… cũng được TAND TP.Hà Nội lên kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để chuẩn bị tốt nhất có thể.
Các bị cáo được dẫn giải tới Tòa sáng nay
TUYẾN PHAN
50 bị cáo hầu tòa
Vụ án có 50 bị cáo hầu tòa, gồm 27 người bị tạm giam, 23 người được tại ngoại. Ông Trịnh Văn Quyết bị truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Hai em gái ông Quyết bị truy tố với vai trò đồng phạm, gồm Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga.
Nhiều cựu lãnh đạo Tập đoàn FLC và các công ty trong "hệ sinh thái" cũng vướng lao lý, gồm: Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC), Nguyễn Thiện Phú (cựu Kế toán trưởng Tập đoàn FLC), Nguyễn Quỳnh Anh (cựu Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS)…
Ngoài ra, hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị xét xử với trách nhiệm liên đới. Điển hình như: Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT HOSE), Lê Hải Trà (cựu Phó giám đốc HOSE), Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước)…
Theo cáo buộc, từ tháng 5.2017 - tháng 1.2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, bị cáo Quyết chỉ đạo "xả bán" cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Trước đó, từ năm 2014 - tháng 9.2016, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.
Tiếp đó, các bị cáo tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros. Niêm yết cổ phiếu thành công, bị cáo Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.