Hồ sơ vụ án cho thấy, cha của ông N. là cụ R. có 2 người vợ, gồm cụ H. là vợ cả, cụ C. là vợ hai. Ông N. và ông X. đều là con của vợ cả.
Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, đại gia đình được chính quyền chia cho một diện tích đất gần 860 m2. Cụ R., vợ hai và các con của vợ hai tiếp tục sinh sống trên mảnh đất cũ, còn vợ cả và anh em ông N. tách ra sinh sống trên mảnh đất vừa được chia thêm.
Năm 1984, ông X. viết đơn xin cấp sổ đỏ cho toàn bộ thửa đất, đứng tên mình, nhưng không có ý kiến của các thành viên trong gia đình. Năm 2005, sau khi mẹ chết, ông X. bổ sung thủ tục và được UBND huyện cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông.
Ông N. cho rằng, việc cấp sổ đỏ như trên là không đúng, vì thửa đất do cha mẹ để lại, ông X. không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng riêng của mình đối với toàn bộ thửa đất.
Vì lẽ đó, ông N. làm đơn khởi kiện, yêu cầu hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho vợ chồng ông X., đồng thời yêu cầu được chia di sản do cha mẹ để lại là diện tích đất gần 860 m2 và tài sản gắn liền trên đất.
Còn theo trình bày của ông X., ông và ông N. có quan hệ huyết thống với nhau. Nhà và đất mà ông đang sử dụng do gia đình tạo lập từ năm 1969 đến nay. Ông và gia đình đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Khi vợ chồng ông X. làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, lúc này cả cụ R. và cụ H. đều còn sống, không có ý kiến gì. Hơn thế, cha của các ông là cụ R. không liên quan gì đến mảnh đất này, vì cụ R. đã đăng ký quyền sử dụng đất với vợ hai tại mảnh đất cũ từ xa xưa.
Ông X. không nhất trí việc ông N. khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với mảnh đất mình đang sử dụng.
Tháng 8.2019, TAND tỉnh N.Đ xét xử sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N., bằng việc hủy sổ đỏ đã cấp cho vợ chồng ông X. và chia cho ông N. 1/5 diện tích khu đất mà cha mẹ ông để lại.
Sau đó, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. Đến tháng 6.2020, TAND cấp cao tại H.N xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo của cả hai, quyết định y án sơ thẩm.
1 năm sau, bị đơn là ông X. đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Chánh án TAND tối cao sau đó ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.
Tháng 9.2022, tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao; quyết định hủy cả 2 bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh N.Đ xét xử lại từ đầu.
Thông qua vụ án này, Viện KSND tối cao cho rằng, toà án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xác định thửa đất gần 860 m2 thuộc di sản thừa kế của cụ R. và cụ H. là không chính xác.
Lý do, cụ R. và cụ H. sống chung nhưng không đăng ký kết hôn. Sau đó, cụ R. sống như vợ chồng với cụ C. và không còn sống với cụ H. nữa. Thời điểm mẹ con cụ H. ra ở riêng trên mảnh đất cũng là khi hai vợ chồng không còn ở với nhau.
Đối chiếu luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 cũng như Nghị quyết 35/2000 của Quốc hội, pháp luật chỉ công nhận hôn nhân thực tế giữa cụ R. và vợ hai là cụ C., còn quan hệ giữa cụ R. với vợ cả đã chấm dứt.
Đồng nghĩa, thửa đất gần 860m2 là tài sản riêng do cụ H. tạo lập, không thuộc quyền sở hữu của cụ R., việc đưa cả cụ R. vào chủ sở hữu đất để chia di sản là không đúng.
Hơn thế, tài liệu vụ án cũng cho thấy, trong số gần 860 m2 thì chỉ có 199 m2 đất thổ cư là di sản thừa kế của cụ H. để lại. Tuy nhiên, sổ đỏ cấp cho hộ ông X. lại xác định diện tích đất thổ cư là 383 m2. Toà án hai cấp chưa làm rõ chênh lệch về đất thổ cư vừa nêu mà đã xác định 383 m2 đất để chia thừa kế là chưa chính xác.
Vẫn theo Viện KSND tối cao, không chỉ có sự thiếu sót đến từ phía tòa, một phần trách nhiệm thuộc về kiểm sát viên cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm khi đã nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa, kiểm sát bản án chưa đạt yêu cầu.
Việc này dẫn tới không phát hiện ra các vi phạm của tòa án để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc thông báo phát hiện vi phạm đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.