Đối với các vụ án xét xử tội "rửa tiền" cùng tội phạm nguồn của tội "rửa tiền" phải được báo cáo, thống kê riêng. Hiện tại nhiều tòa án địa phương chỉ thống kê theo tội phạm nguồn, nên số liệu vụ án về tội "rửa tiền" bị ẩn, dẫn đến tổng hợp sai số liệu xét xử về các vụ án "rửa tiền".
Cũng theo TAND tối cao, kết thúc năm công tác, các tòa phải làm báo cáo riêng về các vụ án xét xử tội "rửa tiền". Ngay sau khi phát hành bản án xét xử về tội "rửa tiền", các tòa phải gửi bản án đến TAND tối cao.
Vừa qua, Thanh Niên có loạt bài nêu thực trạng hiện nay các cơ quan tố tụng đã điều tra, xử lý nhiều vụ án về hành vi "rửa tiền" lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Điển hình phải kể đến như vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), vụ án cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức Nguyễn Minh Quân, vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba…
Theo đó, các chuyên gia đã phân tích về tội phạm "rửa tiền" và chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân, bất cập của quy định pháp luật hiện hành và đề xuất giải pháp… Tiền là loại tài sản đặc biệt nên việc tiêu thụ, hoặc sử dụng số tiền do phạm tội, hoặc biết người khác phạm tội mà có thì bị xử lý hình sự về tội "rửa tiền" theo điều 324 bộ luật Hình sự.
Đặc trưng của tội danh này là có hành vi phạm tội chiếm đoạt được tiền trước đó, người phạm tội bị xử lý theo pháp luật. Số tiền chiếm đoạt được sau đó đưa cho người khác mà họ biết được số tiền này do phạm tội mà có, nhằm mục đích mang đi cất giấu, hoặc sử dụng vào mục đích khác như mua bán tài sản, đầu tư kinh doanh…
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), bất kể hành vi phạm tội nào mà có được tiền, sau đó dùng tiền đó mua bất động sản, đầu tư vào các lĩnh vực khác, hoặc đưa cho người khác để giao dịch, mà người nhận tiền biết được số tiền này do phạm tội mà có, thì cả người đưa và người nhận tiền này cùng phạm tội "rửa tiền".
Luật sư Hoan lấy ví dụ trong gia đình, người chồng vốn là công chức, bỗng một ngày mang về cho vợ một số tiền lớn để mua bất động sản. Người vợ biết tiền này có được là do nhận hối lộ mà vẫn sử dụng thì cả hai vợ chồng đều có thể bị xử lý về tội "rửa tiền".
"Rửa" hơn 445.000 tỉ đồng như thế nào?
Vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 2 được xem là vụ án "rửa tiền" lớn nhất trong lịch sử ngành tư pháp. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, nhằm che giấu nguồn gốc và việc sử dụng bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được, để phân tán dòng tiền, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã rút tiền mặt tại Ngân hàng SCB và giao cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của bị can này…
Từ đó, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc "rửa tiền" hơn 445.000 tỉ đồng có từ hành vi phạm tội "tham ô tài sản", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đồng thời bị cáo buộc "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" hơn 106.730 tỉ đồng.
Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo rút tiền mặt, chuyển nộp vào tài khoản đứng tên tổ chức, cá nhân, chuyển giữa các tài khoản, sử dụng thanh toán các khoản chi cho các mục đích khác nhau. Cụ thể như trả tiền gốc, lãi trái phiếu; chi trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB; chi phí lãi vay, chi phí hoạt động của Ngân hàng SCB; chi cho dự án đang triển khai dở dang (dự án Mũi Đèn Đỏ; dự án A6, H.Bình Chánh, TP.HCM); chuyển tiền ra nước ngoài