Trong đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố về cả 3 tội danh nêu trên.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện KSND tối cao xác định, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán. Tổng trị giá các gói trái phiếu là hơn 30.869 tỉ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc tổ chức thực hiện rửa tiền với tổng số hơn 445.000 tỉ đồng; nguồn tiền từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng bị cáo buộc cùng đồng phạm vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới tổng số tiền 4,5 tỉ USD (tương đương hơn 106.000 tỉ đồng).
Ở giai đoạn 1 "đại án" Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Liên quan vụ án này, 85 bị cáo đồng phạm còn lại, HĐXX tuyên từ 3 năm tù treo đến tù chung thân.
Ngày 4.5, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, 21 bị cáo đồng phạm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo buộc, từ năm 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng này.
Đến năm 2022, nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (bao gồm khoảng 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc và hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc bị cáo Lan bồi hoàn tiền lãi, toàn bộ dư nợ nêu trên. Tính toán khấu trừ phần nghĩa vụ của các bị cáo đã hoàn trả cho bị cáo, số tiền còn phải khắc phục là hơn 673.800 tỉ đồng.