Lừa đảo để lấy tiền trả nợ mua rượu ngoại, thuốc lá
Cáo trạng cho thấy, thông qua quan hệ xã hội, Hưng quen biết nhóm 3 người gồm anh Nguyễn Đình T., anh Hoàng Đức Ch. và anh Vương Toàn C.
Quá trình qua lại, Hưng giới thiệu tên là Lê Minh, đang giữ chức vụ phó thuộc Viện KSND tối cao, có khả năng xin được việc làm và giúp đỡ những việc liên quan đến pháp luật.
Tin tưởng thông tin mà Hưng đưa ra, nhóm 3 người bạn đưa cho Hưng hơn 1,8 tỉ đồng để nhờ xin việc, nhờ "chạy tại ngoại", nhờ kháng nghị bản án…, nhưng đều bị Hưng chiếm đoạt.
Trong số này, tháng 5.2022, một người bạn của anh Nguyễn Đình T. nhờ hỏi giúp thủ tục xin bảo lãnh tại ngoại cho người cháu đang bị Công an tỉnh Hải Dương bắt tạm giam để điều tra về hành vi đánh bạc. Nhớ đến Hưng, anh T. liền liên hệ để nhờ vả.
Dù không có khả năng, Hưng vẫn nhận lời, đưa ra mức chi phí 600 triệu đồng. Sau đó, anh T. đã chuyển cho Hưng 300 triệu đồng để lo việc.
Nhận tiền, Hưng không xin được cho ai tại ngoại mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Thấy cháu mình vẫn bị tạm giam, anh T. hỏi và đòi lại tiền thì Hưng bảo chờ thêm rồi khất lần không trả.
Biết bị lừa đảo, anh T. làm đơn trình báo công an. Một thời gian sau, cháu của anh này được thay đổi biện pháp ngăn chặn, nhưng là do gia đình có đơn xin bảo lãnh chứ không phải "tác động" của Hưng.
Ngoài vụ trên, tháng 2.2022, Hưng đưa ra thông tin có 2 suất ngoại giao làm lái xe tại Cục C10 Bộ Công an, ai có nhu cầu xin việc thì Hưng sẽ giúp, chi phí khoảng 5.000 USD.
Tưởng là thật, anh T. nhờ Hưng xin việc giúp cho cháu trai. Hưng nhận lời, đề nghị anh T. chuẩn bị hồ sơ và 185 triệu đồng, hứa từ 1 - 2 tháng sẽ có kết quả.
Đáng chú ý, thời điểm này, Hưng lấy tên là Lê Minh, nhưng khi đưa số tài khoản để anh T. chuyển tiền thì họ tên chủ tài khoản lại là Nguyễn Duy Hưng. Anh T. nghi ngờ, hỏi thì được Hưng giải thích đây là số tài khoản của con trai mình.
Nhận tiền, Hưng không "chạy việc" giúp cháu anh T. mà chuyển cho một người khác để nhờ thanh toán tiền mua rượu ngoại, thuốc lá, trả tiền ăn tại các nhà hàng.
Ít tháng sau, chưa thấy cháu mình có việc làm, anh T. nhiều lần yêu cầu Hưng trả tiền nhưng không được, nên làm đơn tố giác lừa đảo đến cơ quan công an.
Chi 1 tỉ đồng để "chạy" kháng nghị
Trong số những bị hại bị Hưng lừa đảo, người mất nhiều nhất là anh Vương Toàn C., với số tiền 1 tỉ đồng.
Cáo trạng cho hay, anh C. có người cháu bị TAND H.Đông Anh (Hà Nội) xử phạt 7 năm tù về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Qua tìm hiểu, anh C. thấy một vụ án khác có nội dung tương tự, được TAND TP.HCM xét xử và chỉ tuyên phạt 5 năm tù.
Tháng 9.2022, anh C. hẹn gặp Hưng và nhờ Hưng hỏi giúp thông tin về việc án ở TP.HCM. Hưng nói rằng, nếu vụ án ở TP.HCM thì Hưng có thể kháng nghị xử đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, Hưng nói muốn làm được phải vào TP.HCM và mất chi phí đi lại, cần chuẩn bị 1 tỉ đồng.
Do muốn tạo quan hệ với Hưng và kiểm tra khả năng của Hưng để sau này nhờ Hưng giúp trường hợp của cháu mình được giảm án, anh C. đồng ý đưa cho Hưng số tiền trên.
Hưng hẹn sau 15 ngày sẽ có kết quả kháng nghị. Quá thời hạn, anh C. tìm hiểu thì biết vụ án trên không bị kháng nghị và không xét xử phúc thẩm. Anh C. hỏi thì Hưng nại ra lý do đang chờ bản án để kéo dài thời gian.
Nghi ngờ Hưng không có khả năng như những gì đã "nổ", anh C. đòi lại tiền thì Hưng mới trả 200 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh C. nhiều lần yêu cầu nhưng Hưng chưa trả, tắt máy điện thoại. Do đó, phía bị hại đã làm đơn tố giác đến cơ quan công an.
Ban đầu, Hưng không thừa nhận hành vi lừa đảo đối với anh C. Sau đó, bị cáo nhận tội, cho biết đã dùng số tiền anh C. đưa để chi tiêu cá nhân hết.