Cụ thể, tòa phạt các bị cáo Nguyễn Văn Ngọc 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Lê Nghĩa Thông, Từ Hải Nguyên và Ngô Ngọc Nghĩa 2 năm 6 tháng tù; Trần Quốc Lâm 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hồng Nguyên 1 năm 6 tháng tù; Trần Ngọc Thảo 1 năm 4 tháng 21 ngày tù.
Theo tòa, các bị cáo thành khẩn, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng. Bị cáo Thảo đã bồi thường thiệt hại tinh thần cho bị hại 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Các bị cáo bị cáo buộc trong quá trình thu hồi nợ đã nhiều lần có hành vi nhắn tin đe dọa, uy hiếp làm mất uy tín, danh dự của khách hàng và người thân, để ép buộc khách vay trả nợ.
Cụ thể, chị L.T.H.T thế chấp xe máy vay 22,7 triệu đồng, thời hạn 12 tháng, lãi suất 1,1%/tháng của F88. Trả gốc và lãi được 3 tháng, còn lại hơn 15 triệu đồng thì chị T. mất khả năng trả nợ. Gọi điện nhiều lần nhưng khách không trả được tiền, Thông nhắn tin cho chị T., bạn và anh trai chị T. chửi bới, đe dọa, xúc phạm. Ngoài ra, Thông còn nhắn tin chửi, uy hiếp anh N.T.N và người thân khi anh này thế chấp xe ô tô vay hơn 80 triệu đồng, nhưng trả không đúng hạn.
Tương tự, thông qua người khác giới thiệu, 4 bị cáo Nguyễn Văn Ngọc, Từ Hải Nguyên, Ngô Ngọc Nghĩa, Trần Quốc Lâm đi đòi nợ thuê cho chị N.T 180 triệu đồng và nhóm này sẽ được hưởng 50% số tiền đòi được.
Sau khi nhận diện được "con nợ" là chị T.T, nhóm Lâm thay nhau đến nhà, nhắn tin đòi nợ; theo dõi lịch trình, chụp hình con gái của người nợ, sau đó nhắn tin uy hiếp.
Nguyễn Hồng Nguyên là nhân viên xử lý nợ (đối với khách quá hạn từ 1 - 30 ngày) qua điện thoại của chi nhánh Công ty F88. Năm 2022, chị X. thế chấp xe máy vay 30 triệu đồng, thời hạn 12 tháng. Ba tháng sau, chị X. không còn khả năng trả nợ thì bị cáo này nhắn tin nhắc nợ, đe dọa đe dọa gia đình chị X.
Tại tòa, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Thảo từ 5 - 6 tháng tù; Lâm từ 4 - 5 tháng tù; Ngọc từ 3,5 - 4 năm tù; Nguyên và Nghĩa mỗi bị cáo từ 3 - 4 tháng tù; Thông từ 1,6 - 2 năm tù; Hồng Nguyên từ 1,6 - 2 năm tù.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng mong tòa xem xét lại mức án mà Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo vì có phần nghiêm khắc. Luật sư của bị cáo Nguyễn Hồng Nguyên cho rằng, bị hại là khách hàng nhưng không trả nợ đây cũng là phần lỗi của bị hại. Dù hậu quả chưa xảy ra nhưng gia đình bị cáo cũng tự nguyện khắc phục tổn hại tinh thần cho bị hại.
Tự bào chữa, bị cáo Thảo bật khóc, cho rằng ban đầu không nghĩ việc đòi tiền là vi phạm pháp luật nhưng sau thời gian bị tạm giam bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình nên xin được tòa khoan hồng, xem xét.
Nói lời sau cùng, các bị cáo đưa ra hoàn cảnh gia đình khó khăn như: có người nhà già yếu, có con còn nhỏ, xin tòa cho hưởng mức án khoan hồng nhất để sớm trở về với gia đình.