Về trách nhiệm dân sự, tòa xác định Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 53,6 tỉ đồng. Sau khi trừ số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục trước đó, bị cáo Đảng và vợ là Phạm Thị Kim Oanh phải liên đới bồi thường hơn 10 tỉ đồng còn lại.
Bản án nhận định bị cáo Tuấn giữ vai trò chính, các cựu cán bộ cấp dưới tại BV giúp sức tích cực trong việc can thiệp trái pháp luật vào quá trình triển khai các gói thầu. Với các bị cáo thuộc phía nhà thầu, nhóm này lợi dụng sự quen biết với bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, sử dụng các hành vi gian lận khi tham gia đấu thầu, từ đó hưởng lợi bất chính số tiền lớn.
HĐXX ghi nhận bị cáo Tuấn từng là Giám đốc BV Tim Hà Nội, Giám đốc BV Bạch Mai, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế với chuyên môn cao, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Bị cáo nguyên là đại biểu Quốc hội khóa XIV, từng trực tiếp khám, chữa bệnh cho nhiều người, được nhân dân khen ngợi. Hành vi của bị cáo diễn ra trong bối cảnh vật tư y tế thiếu, quy định pháp luật về đấu thầu còn bất cập, vì nôn nóng mà dẫn tới sai phạm.
Quá trình giải quyết vụ án, cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội được đánh giá rất thành khẩn, tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính 10.000 USD do được doanh nghiệp biếu. Ngoài ra, dù không có nghĩa vụ bồi thường, bị cáo tự thấy có trách nhiệm nên đã cùng gia đình nộp thêm 6 tỉ đồng. HĐXX nhận định vi phạm của bị cáo Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành y tế mà chỉ ở phạm vi quản lý nhà nước. Đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể, cần cân nhắc khi lượng hình, để bị cáo có thể sớm trở về với cộng đồng, tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Các bị cáo còn lại, bao gồm nhóm cựu lãnh đạo và cán bộ BV Tim Hà Nội, đều được HĐXX ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả…