Trong ngày làm việc thứ 3, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo, người bị hại, HĐXX đã nghe phần tranh luận giữa Viện KSND tỉnh Quảng Ninh với 13 luật sư bào chữa cho các bị cáo, ý kiến trình bày của các bị cáo không mời luật sư và những người có trách nhiệm liên quan. Từ đó làm rõ vai trò, động cơ phạm tội, nhận thức pháp luật, việc tích cực hợp tác với cơ quan điều tra… của các bị cáo.
Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh giữ quyền công tố đã đối đáp các vấn đề luật sư bào chữa cho các bị cáo và của bị cáo trình bày. Căn cứ chứng cứ, tài liệu kết luận của cơ quan điều tra và những lời khai nhận tội trước tòa của các bị cáo; tính chất nghiêm trọng của các hành vi phạm tội và căn cứ quy định của pháp luật, đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh khẳng định mức án đề nghị đối với 28 bị cáo trong vụ án là phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo đã thực hiện.
Ngoài ra, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh cũng giữ nguyên quan điểm truy tố, mức án đề nghị đối với 28 bị cáo và đề nghị HĐXX xem xét, quyết định mức hình phạt đích đáng, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng và nhân văn của pháp luật; triệt để thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát do tội phạm tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tại sản, tạo tính cảnh báo, răn đe giáo dục trong xã hội.
Viện KSND tỉnh Quảng Ninh cũng có quan điểm đề nghị HĐXX xem xét kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác quản lý để tránh việc xảy ra như vụ việc này.
Mặc dù các bị cáo có ý kiến đề nghị HĐXX xem xét, làm rõ một số nội dung, nhưng các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khẳng định Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã truy tố đúng người, đúng tội.
Đáng chú ý, tại phiên tòa, đại diện người bị hại (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Ban Quản lý dự án TX.Đông Triều, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh…), đã đề xuất ý kiến xin giảm nhẹ mức án cho các bị cáo.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX đã cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án. Các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì các hành vi phạm tội của mình đã xâm phạm tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước; gây tổn hại đến lợi ích của tập thể, cơ quan đơn vị, người thân và gia đình.
Đặc biệt, các bị cáo hứa trước HĐXX sẽ khắc phục hậu quả và mong muốn HĐXX xem xét cho được hưởng mức án thấp nhất để sớm có cơ hội trở về với gia đình và xã hội, làm lại cuộc đời.
Hôm qua 20.4, trong phần luận tội, bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, kiêm Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, bị Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đề nghị mức phạt tù từ 15 – 17 năm.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 (Khu 2, P.Hồng Hà, TP.Hạ Long) đã ký kết, thực hiện các hợp đồng quản lý, bảo trì, xây lắp biển báo hiệu điều tiết đảm bảo giao thông với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và một số chủ đầu tư khác.
Quá trình triển khai, các bị can là lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường sông 3 đã thông đồng với một số cá nhân trong và ngoài công ty để bớt khối lượng công việc so với hợp đồng, lập khống sổ sách nghiệm thu, chiếm đoạt tiền của một số chủ đầu tư; tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ đối với các hợp đồng ký kết với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đồng thời tham ô tài sản của Công ty CP Quản lý đường sông số 3 và một số chủ đầu tư khác.
Trong 28 bị cáo liên quan có bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long bị truy tố về các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long.