Dự án làm giàu 2 tỉ USD trong 10 năm?
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt ông Hải mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo phải trả lại số tiền chiếm hưởng cho các bị hại có yêu cầu bồi thường.
Theo kiểm sát viên, hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhiều người. Quá trình xét xử, bị cáo chưa thực sự thành khẩn.
Tự bào chữa ngay sau đó, ông Hải phủ nhận nhiều cáo buộc đối với mình. Bị cáo này nói do học tập, làm việc ở Liên Xô (cũ), đã tích lũy được kinh nghiệm đầu tư tài chính, vì thế muốn phát triển mạng xã hội “hoclamgiau.vn” thành một hệ sinh thái kinh doanh. Đây sẽ là môi trường để mọi người học tập, trao đổi, thực hành kiến thức về làm giàu. Mục tiêu giúp các thành viên trở lên giàu có hơn, cho bản thân và cả xã hội.
Theo tính toán của bị cáo này, sau 10 năm (kể từ 2008 – PV), dự án làm giàu có thể đạt 10 triệu thành viên, gồm cả người Việt Nam và quốc tế, tạo ra giá trị khoảng 2 tỉ USD. “Thế giới có khoảng 7 tỉ người, mục tiêu 10 triệu người tham gia dự án học làm giàu là rất khiêm tốn”, bị cáo nói.
Và để đạt được mục tiêu, bị cáo Hải cần có 50 triệu USD, trong đó vốn ban đầu khoảng 5 triệu USD, tương đương 100 tỉ đồng. Nhưng do Công ty IDT chỉ có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, không có khả năng đầu tư, nên bị cáo đi tìm vốn.
Nguồn vốn từ người thân, bạn bè của ông Hải và thành viên dự án học làm giàu. Theo thỏa thuận, Công ty IDT đứng ra triển khai, được hưởng 10% cổ phần, còn lại là của các nhà đầu tư do ông Hải đại diện.
Bị cáo Phạm Thanh Hải: Làm giàu không thành vì… bị bắt giam
Về con số lãi suất 40 – 50%, bị cáo Hải giải thích hợp đồng giữa mình và nhà đầu tư là thỏa thuận dân sự, cá nhân với cá nhân, không vi phạm điều cấm. Bị cáo cũng cho rằng chỉ ký với từng trường hợp riêng chứ không kêu gọi công khai để huy động vốn.
Kể từ thời điểm triển khai đến trước khi bị bắt (tháng 10.2015), ông Hải dùng tiền để đầu tư vào khoảng 20 công ty và dự án. Khi ấy, cả Công ty IDT và “dự án học làm giàu” đều “hoạt động rất tốt”.
Bị cáo Hải không đồng tình với cáo buộc của viện kiểm sát cho rằng mình đưa ra thông tin gian dối để thu hút nhà đầu tư. “Tôi đúng là Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty IDT, đúng là tiến sĩ vật lý, từng làm việc tại Liên Xô (cũ) và có kinh nghiệm về quản lý tài chính…”, bị cáo thanh minh.
Cáo trạng còn nêu bị cáo sử dụng tiền góp vốn để mang đi kinh doanh mà không hề thông báo cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, bị cáo nói hợp đồng ghi rất rõ bị cáo có toàn quyền sử dụng tiền để đầu tư sao cho hiệu quả nhất, không quy định phải thông báo cho đối tác.
Cùng với việc tự bào chữa, bị cáo Hải gửi lời cảm ơn các nhà đầu tư đã tin tưởng, ủng hộ và giao tài sản cho mình. Dù đã hầu tòa, bị cáo vẫn nói có đủ khả năng triển khai các dự án, nhưng vì bị bắt giam nên mới không tiếp tục thực hiện được cam kết…
Đáng chú ý, trong số 87 bị hại có mặt tại tòa, có 2 luồng quan điểm. Một số bày tỏ nguyện vọng được trả lại tiền; số khác thì cho rằng không bị ông Hải lừa, không yêu cầu bồi thường, đề nghị tòa trả tự do cho bị cáo, thậm chí có người còn khẳng định sau khi bị cáo ra tù sẽ tiếp tục hợp tác làm giàu.