Theo đơn khởi kiện, bà H.T.D.Th trình bày, khuya 9.9.2023, con dâu bà đi làm về, mở cửa vào nhà thì chó của ông T.H.B xông vào sân nhà bà, cắn con chó bà đang nuôi. Sự việc bất ngờ, dù bà Th. cố gắng ngăn cản nhưng không thành. Đến khi chó của ông B. nhả chó của bà Th.ra thì ruột đã đổ ra ngoài. Gia đình bà Th. đưa chó đi điều trị tại phòng khám thú y nhưng không qua khỏi sau 5 ngày.
Theo bà Th., đây không phải là lần đầu chó của ông B. cắn chó của bà, con chó này đã cắn rất nhiều chó của những nhà khác trong khu phố. Đây là giống chó đặc biệt nguy hiểm nhưng ông B. thường xuyên thả chó của mình ra ngoài mà không rọ mõm, gây nguy hiểm cho nhiều người dân tại đây.
Hơn nữa, rất nhiều người dân trong khu phố góp ý nhưng gia đình ông B. vẫn bỏ ngoài tai. Khi sự việc xảy ra, ông B. chẳng những không khắc phục hậu quả mà còn lớn tiếng thách thức với thái độ rất hống hách, bên bà Th. khởi kiện ra TAND Q.10 (TP.HCM).
Bà Th. yêu cầu ông B. có trách nhiệm bồi thường cho bà 32 triệu đồng, bao gồm: chi phí điều trị tại phòng khám thú y là 12 triệu đồng và giá trị con chó của bà là 20 triệu đồng, vì đây là giống chó Phóc Sóc nhập từ nước ngoài về.
Tuy nhiên, yêu cầu đòi tiền mua chó, sau đó bà Th. đã rút và sẽ yêu cầu ở vụ kiện khác, vì bà không tìm được hóa đơn.
Tại bản trình bày ý kiến ngày 2.1.2024, bị đơn - ông T.H.B trình bày, khuya 9.9.2023, gia đình ông B. đã khóa cửa đi ngủ. Việc bà Th. cho rằng chó của ông xông vào sân nhà bà Th. là không có căn cứ. Ông B. không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Th.
Chủ sở hữu "chó cắn chết chó" phải bồi thường
Tại bản án sơ thẩm vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra”, TAND Q.10 đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Th.
Theo tòa, dù ông B. nêu không biết sự việc chó của mình cắn chết con chó của bà Th., nhưng căn cứ biên bản hòa giải tại UBND P.13, Q.10, HĐXX xét thấy sự việc trên đã được ông B. thừa nhận qua nội dung ghi trong biên bản.
Nội dung biên bản, có ghi: “Ông Bình sẽ cân nhắc mức đền bù và sẽ qua gặp bà Th. để thỏa thuận…”. Từ nội dung này, HĐXX xác định ông B. là chủ của con chó nên có căn cứ buộc ông B. phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con chó của ông B. gây ra.
Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn, HĐXX nhận định, khoản 1 điều 603 bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác”, nên yêu cầu của bà Th. về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con chó của ông B. gây ra là có cơ sở.
Đồng thời, bà Th. cung cấp được hóa đơn chứng từ về chi phí điều trị và thiêu hủy chó nên tòa đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Th.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông B. kháng cáo. Vụ án đang được TAND TP.HCM chuẩn bị lên lịch xét xử phúc thẩm.
Một lý do khác mà ông B. đưa ra để không đồng ý bồi thường cho bà Th., là theo ông B., bà Th. không đăng ký nuôi chó theo quy định điều 54 và 57 luật Chăn nuôi nên loại trừ trách nhiệm bồi thường của ông B.