Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án trong 1 ngày.
Quá trình xét xử, đại diện Viện KSND TP.HCM (Viện kiểm sát) giữ quyền công tố tại phiên tòa đánh giá bị cáo Lan lợi dụng chính sách của nhà nước về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB.
Bị cáo từng bước nắm giữ, chi phối đến 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như là công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; đưa tài sản bảo đảm không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn rút tiền SCB.
Khi SCB giải ngân tiền theo phương án khống, bị cáo Lan chỉ đạo cấp dưới lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền bằng thủ đoạn lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Trong 10 năm, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Viện kiểm sát đề nghị án tử hình cho bị cáo Trương Mỹ Lan
Theo diễn biến phiên tòa từ 5.3 - 4.4, trừ bị cáo Lan, còn lại các bị cáo có mặt tại tòa đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Cụ thể, 66 bị cáo làm việc tại SCB - hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, công ty thẩm định giá tài sản đảm bảo, doanh nghiệp khác, đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan đều thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo trạng, đề nghị được xem xét vai trò hạn chế, làm công ăn lương, tin tưởng tuyệt đối vào Trương Mỹ Lan và không hưởng lợi trong vụ án để được mức án khoan hồng.
18 bị cáo thuộc đoàn thanh tra, tổ giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước tại SCB và lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận tiền của SCB trong giai đoạn thanh tra ngân hàng này để bưng bít sai phạm, che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém, tại tòa đều thừa nhận hành vi sai phạm.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan đưa ra nhiều quan điểm lý giải không thao túng SCB, không chiếm đoạt tiền SCB mà đưa tài sản của gia tộc, người thân, bạn bè để tái cơ cấu SCB nhưng thất bại.
Vụ án có 5 bị cáo bị xét xử vắng mặt do trốn truy nã, và bị cáo xin xét xử vắng mặt do bị bệnh được HĐXX chấp nhận.
Luận tội, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Lan án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt tử hình.
Đề nghị 4 án chung thân cho 4 bị cáo, trong đó có 3 bị cáo là cựu lãnh đạo cấp cao tại SCB, gồm: bị cáo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT (trốn truy nã, xét xử vắng mặt); bị cáo Bùi Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT; bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc; và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Các bị cáo còn lại, Viện kiểm sát đề nghị từ 3 năm tù treo đến 24 năm tù, trong đó 15 bị cáo được đề nghị án treo.
Thiệt hại của vụ án là bao nhiêu?
Viện KSND TP.HCM xác định Trương Mỹ Lan gây thiệt hại, và sử dụng toàn bộ tiền chiếm đoạt nên về trách nhiệm dân sự, đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ hơn 677.000 tỉ đồng cho SCB.
Song, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, cơ quan tố tụng đã trừ đi các giá trị tài sản đảm bảo của bà Lan mà SCB đang nắm giữ, theo kết quả định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, thì thiệt hại của SCB còn khoảng 498.000 tỉ đồng.
Theo Viện kiểm sát, thiệt hại của SCB là hơn 677.000 tỉ đồng hay khoảng 498.000 tỉ đồng sẽ do HĐXX quyết định.
Trong khi đó, SCB đề nghị HĐXX xác định thiệt hại của ngân hàng này tính đến ngày xét xử sơ thẩm (5.3.2024) là 761.802 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là gần 484.000 tỉ đồng, nợ lãi, phí tạm tính là hơn 277.800 tỉ đồng. Đồng thời, SCB đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải có trách nhiệm liên đới khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí khắc phục thêm 10,5 tỉ đồng
Trong 86 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm, riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) là người duy nhất không phải là đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền SCB và không liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hay SCB.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc tìm cách chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng, sau khi bị cáo Lan bị bắt.
Tại tòa bị cáo Trí thừa nhận hành vi phạm tội. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Trí đã vận động gia đình khắc phục hơn 761 tỉ đồng cho bà Trương Mỹ Lan; cùng với bị kê biên 3 tài sản để đảm bảo bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bà Lan. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị Nguyễn Cao Trí 9 - 10 năm tù.
Trong thời gian HĐXX đang nghị án, vợ bị cáo Trí cũng khắc phục thêm 10,5 tỉ đồng tiền mặt.
Cũng trong thời gian nghị án, đồng phạm của Trương Mỹ Lan cũng khắc phục thêm một số tiền, gồm: bị cáo Dương Tấn Trước nộp thêm 5 tỉ đồng, bị cáo Trương Khánh Hoàng nộp 500 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng nộp 200 triệu đồng, Nguyễn Văn Thanh Hải nộp 50 triệu đồng.