Hôm rồi, bà vào TP.HCM thăm tôi, và bà tự viết tay tặng tiền trong sổ tiết kiệm cho tôi. Vậy việc viết tay như vậy có hiệu lực không? Tôi và mẹ cần phải làm gì để đỡ mất thời gian và công sức đi lại, mà cũng để tránh sau này nếu bà có qua đời cũng không bị tranh chấp?
Bạn đọc Đức Hòa.
Luật sư tư vấn
Luật sư Mai Thanh Bình, Công ty luật TNHH Mai Thanh Bình, tư vấn: nếu mẹ bạn muốn viết tay tặng cho bạn sổ tiết kiệm, thì trong nội dung phải đầy đủ thông tin như: thông tin người cho, người nhận và thông tin của sổ tiết kiệm được tặng cho (số sổ, số tiền, lãi suất, ngân hàng)…
Tuy nhiên, tránh trường hợp phát sinh những tranh chấp không đáng có, mẹ bạn nên lập hợp đồng tặng cho có xác nhận của công chứng viên. Cụ thể, mẹ bạn có thể chọn một trong hai cách như sau:
Cách thứ nhất, mẹ bạn lập di chúc cho bạn sổ tiết kiệm tại tổ chức hành nghề công chứng, hay chứng thực tại UBND xã. Theo điều 624 và 643 bộ luật Dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí của mẹ bạn nhằm chuyển tài sản của mình cho con sau khi chết.
Trong quá trình gửi tiết kiệm, mẹ bạn có thể thay đổi thời gian gửi tiền như 6 tháng, 1 năm, hoặc rút 1 phần tiền lãi, hoặc tiền gốc. Do đó, số sổ tiết kiệm có thể bị thay đổi. Vì vậy, mẹ bạn cần đề nghị ngân hàng cung cấp số tài khoản tiết kiệm mặc định tại ngân hàng để đưa vào di chúc, hoặc hợp đồng tặng cho. Việc này sẽ giúp mẹ bạn tránh phải đi lại nhiều lần để sửa đổi, bổ sung hay lập lại di chúc mới, khi có thay đổi về số tiền tiết kiệm.
Cách thứ hai, mẹ bạn cũng có thể làm thủ tục tặng cho số tiền trong tài khoản của sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Thủ tục này không quá phức tạp, và có thể được thực hiện nhanh chóng trong ngày. Quy trình này cần có sự tham gia của 3 bên: ngân hàng, bạn và mẹ.
Một số lưu ý khi tặng cho số tiền trong sổ tiết kiệm:
- Thứ nhất, việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải được thực hiện tại ngân hàng, nơi mở thẻ tiết kiệm.
- Thứ hai, cả người tặng cho và người được tặng cho số tiền trong tài khoản của sổ/thẻ tiết kiệm cần đến trực tiếp ngân hàng để làm thủ tục.
- Thứ ba, giấy chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải có đầy đủ chữ ký của người tặng và người được tặng.
- Thứ tư, trong đó chữ ký của người tặng cho phải khớp đúng với chữ ký mẫu đăng ký của ngân hàng. Chữ ký của người được tặng cho sẽ được dùng để đối chiếu với chữ ký khi đáo hạn số tiền tiết kiệm này…
Giấy tờ mà mẹ và bạn cần chuẩn bị: Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực pháp lý; bản chính của sổ tiết kiệm.