Tại Việt Nam, Lĩnh vực Lạnh và Điều hòa không khí đang trong quá trình phát triển hết sức mạnh mẽ và được đánh giá là thị trường có tốc độ phát triển vào loại nhanh nhất Đông Nam Á.
Ông Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam (VISRAE) nhận định, trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mãnh liệt, tới năm 2035 gần 50% dân số Việt Nam sẽ sống trong các đô thị. Vì vậy nhu cầu điều hòa, làm lạnh cho các tòa nhà, phương tiện giao thông cũng tăng cao trong bối cảnh nóng lên toàn cầu.
Với mức sống tăng lên nhu cầu thực phẩm sạch, không bảo quản hóa chất cũng thúc đẩy tăng trưởng chuỗi cung ứng lạnh một cách đáng kinh ngạc. Do vậy hiện nay thị trường thiết bị lạnh & Điều hòa không khí (ĐHKK) của Việt Nam có quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN về số lượng và tổng doanh số khoảng vài tỷ USD.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, sẽ xuất hiện các thành phố thông minh, công nghiệp thông minh, thương mại, dịch vụ thông minh, trên nền tảng ICT- Information and communication technology với 4 cấu thành IoT, Big Data, AI, Cloud Computing.
Tất cả các hạ tầng kỹ thuật này đều có yêu cầu rất nghiêm ngặt về điều kiện hoạt động về nhiệt độ và độ ẩm (T, RH), do đó phải cần có điều hòa công nghệ hoạt động 24/7. Hơn nữa tốc độ xử lý các chip vi xử lý siêu mạnh hiện nay bị giới hạn chủ yếu do giới hạn làm mát. Do vậy có thể nói, lĩnh vực Lạnh & ĐHKK đang trực tiếp đảm bảo xã hội 4.0 phát triển bền vững và ổn định.
Song, sự phát triển mạnh của lĩnh vực Lạnh & ĐHKK dẫn tới gia tăng tiêu thụ điện và phát thải khí nhà kính. Theo tổ chức IEA nếu năm 2016 lĩnh vực lạnh & ĐHKK tiêu thụ khoảng 16% điện thương phẩm trên thế giới thì tới năm 2030 con số này là 30%. Không những thế các môi chất lạnh hiện dung trong thiết bị có tiềm năng toàn cầu lớn gấp hàng nghìn lần CO2.
Vì vậy để thực hiện thành công các cam kết quốc tế như giảm phát thải ròng “CO2” bằng 0 vào 2050 của Chính phủ, rất cần có những chính sách quản lý loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính và phá hủy tầng ôzôn.
Mặt khác các công nghệ thay thế tạo ra nhiều thách thức như giá thành đắt, yêu cầu kỹ thuật cao, dễ gây cháy nổ. Vì vậy tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản này là rất quan trọng. Chủ tịch VISRAE cũng cho rằng, một vấn đề không kém phần quan trọng là công nghệ phòng sạch, dùng trong y tế, dược phẩm, sản xuất điện tử. Đặc biệt là cấu thành không thể thiếu được nếu Việt Nam tiến vào thị trường sản xuất chip bán dẫn và vi mạch.
Không chỉ có vậy với sự gia tăng chóng mặt của đô thị hóa dẫn tới quá tải hạ tầng và làm chất lượng không khí tồi đi nhanh chóng. Vì thế các giải pháp xử lý không khí, lọc bụi mịn, vi sinh vật trong tòa nhà, căn hộ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết ở trên thế giới và ở Việt Nam.
“Trong kỷ nguyên số chúng ta cũng không thể không nhắc tới nhà máy thông minh, nhà máy số, hệ thống tự động hóa thông minh kết nối với nhau qua IoT và xử lý thông tin trong thời gian thực với sự hỗ trợ của AI. Đây là lĩnh vực ít nhiều còn mới với nhiều doanh nghiệp”, ông Ngọc chia sẻ.
Để thúc đẩy sự giao lưu, chia sẻ, kết nối và hợp tác giữa các cá nhân, đơn vị, chuyên gia trong lĩnh vực này, Việt Nam là chủ nhà tổ chức ”Chuỗi sự kiện Toàn quốc về lĩnh vực Lạnh và Điều hòa Không khí 2023″ – Cleanfact & Resat Expo 2023. Diễn đàn về lạnh và điều hòa không khí với sự tham gia của 5 nước ASEAN và Nhật Bản, Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam tổ chức hàng loạt các chương trình hội thảo chuyên môn, giao lưu chia sẻ, giới thiệu sản phẩm, giải pháp, kết nối hợp tác trong lĩnh vực Nhiệt – Lạnh.
Đây là sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, dành cho tất cả các tổ chức, cá nhân, hiệp hội, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư… có quan tâm và hoạt động trong lĩnh vực Nhiệt – Lạnh muốn tìm hiểu, quảng bá sản phẩm, giải pháp và giao lưu, kết nối hợp tác.
Đứng trước thách thức đó, Hội VISRAE đã cùng với Tập đoàn INTECH, công ty IBC có sự đồng hành của Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, 5 hiệp hội lạnh & ĐHKK của Nhật, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipinnes tổ chức chuỗi sự kiện ngành lạnh & ĐHKK Việt Nam, chuỗi sự kiện công nghiệp cùng triển lãm quốc tế Cleanfact & Resat 2023.
Trong đó, có 2 diễn đàn công nghệ, 3 hội thảo về chính sách và công nghệ, hơn 100 gian triển lãm với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, hơn 5.000 khách hàng và khách tham quan. Sản phẩm trưng bày tại triển lãm Cleanfact & Resat Expo 2023 tập trung vào 2 mảng chính là Phòng sạch – Nhà máy công nghệ cao và Nhiệt – Lạnh và Xử lý không khí.
Các chuyên đề tại hội thảo tập trung vào các chủ đề chính gồm: Công nghệ phòng sạch 2023 về xu hướng ngành và những giải pháp kỹ thuật mới trong lĩnh vực phòng sạch. Nhà máy công nghiệp về những khó khăn của chủ đầu tư và giải pháp trong quá trình xây dựng nhà máy, cập nhật xu hướng công nghệ xây dựng công nghiệp hiện đại. Giao lưu, chia sẻ cơ hội và giải pháp mới trong lĩnh vực tự động hóa ứng dụng trong công nghiệp sản xuất công nghệ cao. Trao đổi thảo luận về tái cấu trúc, xây dựng chiến lược và quản trị doanh nghiệp. Ngày hội việc làm lĩnh vực Nhiệt – Lạnh, xây dựng, kiến trúc, điện, tự động hóa…