Theo TS. Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH-ĐT, quá trình chuyển đổi xanh đối với lĩnh vực sản xuất sẽ phải trải qua từng góc độ và theo quy mô. Ở quy mô doanh nghiệp, chuyển đổi xanh bằng nhiều cách thức khác nhau như chuyển đổi các công nghệ sản xuất, chuyển đổi quá trình sản xuất. Theo đó, thực hiện các biện pháp sản xuất xanh hơn, chuyển đổi các công trình, công năng xây dựng của các dự án sản xuất theo hướng giảm phát thải cacbon, sử dụng ít hóa chất, sử dụng năng lượng tái tạo hay sử dụng hiệu quả năng lượng.
Đối với các khu công nghiệp, chuyển đổi xanh thông qua việc kết nối các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, thực hiện theo hướng tái sử dụng và chia sẻ các nguồn tài nguyên, sử dụng chung hạ tầng, cung cấp, sử dụng nguồn cung cũng như các dịch vụ cung cấp của cùng một đối tác để giảm thiểu những tác hại đến môi trường.
Ở cấp độ Thành phố, chuyển đổi xanh thông qua mô hình cộng sinh khu công nghiệp. Theo đó, thực hiện việc tái sử dụng rác thải, tái sử dụng năng lượng và trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh.
“Đây là những yếu tố cốt lõi của việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang các khu công nghiệp sinh thái”, TS. Vương Thị Minh Hiếu đánh giá.
TS. Vương Thị Minh Hiếu cho rằng, có hai yếu tố quan trọng trong khu công nghiệp sinh thái đó là doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững thông qua hoạt động sản xuất, thông qua các công trình xanh; Và doanh nghiệp có kết nối với nhau để sử dụng các nguồn tài nguyên và cải thiện hiệu quả về kinh tế, xã hội, cũng như môi trường.
Đồng thời, TS. Vương Thị Minh Hiếu cũng cho rằng, lợi ích của khu công nghiệp sinh thái được tiếp cận ở rất nhiều khía cạnh: Thứ nhất, khu công nghiệp sinh thái mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp thông qua việc tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện sức khỏe, an toàn cho người lao động và chia sẻ nguyên vật liệu, cùng những tiện ích trong khu công nghiệp.
Thứ hai, đối với quản lý nhà nước. Thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước các hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp theo hướng bền vững; Thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường; Giảm các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội.
Thứ ba, đối với môi trường. Giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước và năng lượng và hóa chất độc hại; Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, POP.
Thứ tư, đối với thành phố. Tăng chất lượng sống cho cộng đồng; Thực hiện kinh tế tuần hoàn trong phạm vi thành phố/địa phương.
Về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển các khu công nghiệp sinh thái, theo TS. Vương Thị Minh Hiếu, UBND cấp tỉnh, các địa phương đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng như hỗ trợ các khu công nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và công sinh công nghiệp.
Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp; chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hợp tác với nhau để sử dụng chung các công trình kết cấu hạ tầng, yếu tố sản xuất, tái sử dụng nguyên vật liệu sản xuất, chất thải của mình và các doanh nghiệp khác; hợp tác với bên thứ 3 để thực hiện công sinh công nghiệp
Về định hướng hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng khu công nghiệp sinh thái trong giai đoạn tới, TS. Vương Thị Minh Hiếu cho rằng, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, trong đó, Bộ Xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, xây dựng các công trình xanh, khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu.
Các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lồng ghép các giải pháp về phát triển khu công nghiệp sinh thái trong các chương trình, kế hoạch của địa phương theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, lộ trình phi carbon hóa của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các khu công nghiệp để hoàn thành việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới. Tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo. Cùng với đó là tăng cường huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, quỹ tài chính khí hậu, các đối tác chuyển đổi năng lượng, ngân hàng thương mại và khu vực tư nhân nhằm thu hút thêm nguồn lực đẩy nhanh hơn quá trình triển khai khu công nghiệp sinh thái.